Thiếu hiểu biết, người dân Bắc Ninh tự ý tu bổ di tích quốc gia

24/12/2021 11:18

UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra vi phạm trong quản lý và sử dụng Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật đình, đền, chùa, nghè Đại Lâm.

Cụm di tích đình, đền, chùa, nghè Đại Lâm thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 21.1.1989. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do người dân thiếu hiểu biết, chính quyền lơ là quản lý đã dẫn đến việc xâm hại nghiêm trọng di tích quốc gia này. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đến tìm hiểu vụ việc.

Xâm hại nghiêm trọng do… thiếu hiểu biết, lơ là quản lý

Chú thích ảnh

Những hiện vật quý còn được lưu giữ tại chùa Thiên Phúc. 

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, do Hậu cung đình Đại Lâm xuống cấp, năm 2020, UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí để địa phương thực hiện tu sửa cấp thiết di tích. Từ nguồn vốn của tỉnh và vốn của địa phương, xã Tam Đa đã thực hiện tu bổ cấp thiết Hậu cung đình Đại Lâm theo quy định.

Theo nguyện vọng chung của toàn dân về việc phục hồi Đại đình Đình Đại Lâm, UBND xã Tam Đa đã thuê đơn vị tư vấn, lập phương án tu bổ phục hồi Đại đình. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình các cấp, ngày 30.8.2021, nhân dân trong thôn đã nóng vội cho san đất, hạ giải mái ngói, đóng gông tòa Tiền tế cổ để di chuyển đến vị trí khác với mục đích chuẩn bị mặt bằng cho việc phục hồi Đại đình (trước đó tòa Đại đình cũ đã bị thiêu cháy do hỏa hoạn).

Việc làm trên đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và các quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh (theo quy định, tu bổ di tích cấp quốc gia phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng). Sau khi phát hiện vi phạm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã cử Thanh tra Sở và Ban Quản lý Di tích tỉnh xuống kiểm tra, ngày 30.8.2021, Sở yêu cầu địa phương dừng thi công tu bổ di tích đình Đại Lâm. Đồng thời, UBND huyện Yên Phong ra văn bản về việc dừng thi công tu bổ di tích đình Đại Lâm, xã Tam Đa và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan.

Sau đó, địa phương đã dừng việc tháo dỡ tòa Tiền tế và cho phủ bạt bảo quản chờ ý kiến cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, ít ngày sau, địa phương lại tự ý cho đào móng và đổ giằng bê tông cốt thép 16 trụ móng của tòa Đại đình để phục hồi theo thiết kế.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục lập biên bản và yêu cầu địa phương dừng thi công, nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan chức năng; đồng thời hướng dẫn UBND xã Tam Đa và nhân dân địa phương hoàn thiện các thành phần hồ sơ phục hồi Đại đình, gửi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hiện nay đang chờ ý kiến thẩm định và chỉ đạo của Bộ.

Trong khi những sai phạm tại đình Đại Lâm chưa xử lý xong, do tòa Tam bảo chùa Thiên Phúc (chùa nằm trong Cụm di tích đình, đền, chùa, nghè Đại Lâm) bị xuống cấp, nhà chùa và chính quyền thôn đã xin chủ trương đảo ngói và sửa chữa hoành rui. Tuy nhiên, ngày 21.11.2021, nhà chùa và một số người dân đã tự ý hạ giải toàn bộ công trình.

Chú thích ảnh

Ngôi chùa Thiên Phúc bị nhân dân địa phương tự ý hạ giải và xây dựng mới. 

Ông Nguyễn Văn Viễn, Ban Quản lý Di tích đình, đền, chùa, nghè Đại Lâm, một trong số những người có mặt trong buổi hạ giải lý giải ngôi chùa bị phá hủy trong thời kháng chiến chống Pháp. Sau này, địa phương phục dựng lại từ những mảng kiến trúc, vật liệu chắp ghép nên kết cấu dời rạc, chắp vá. Khi tháo dỡ ngói, hoành rui, hai chái ngôi Tam bảo bị nghiêng và đổ sập. Không nắm được quy trình, không hiểu rõ Luật Di sản văn hóa, nhân dân địa phương đã không báo cáo các cấp chính quyền mà tự ý xây dựng mới ngôi chùa và huy động từ nguồn xã hội hóa.  

Quá trình tự ý hạ giải toàn bộ công trình, cả chính quyền thôn và xã đều không hay biết. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng thôn Đại Lâm, xã Tam Đa thừa nhận có thiếu sót, lơ là trách nhiệm trong quản lý di tích địa phương. Đặc biệt, khi nhân dân tiến hành hạ giải cũng không báo cáo chính quyền địa phương nên một số ngày sau chính quyền mới biết và yêu cầu nhân dân dừng thi công công trình.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết xã đã nắm được tình hình di tích đình, chùa ở địa phương bị xuống cấp. Tuy nhiên, xã không nắm được chủ trương cũng như việc tự ý hạ giải, xây dựng của nhân dân do thời điểm này, xã tập trung cho công tác chống dịch COVID-19 (hiện số lượng F0 trong xã trên 200 người). Đồng thời, Lãnh đạo xã nghiêm túc nhận một phần trách nhiệm do lơ là quản lý, chưa nắm bắt tình hình kịp thời.

Cùng với sự phối hợp của Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh, chính quyền xã đã đình chỉ việc xây dựng công trình; đồng thời hướng dẫn nhân dân địa phương bảo quản, bảo vệ đồ thờ tự, các tư liệu, hiện vật, nhất là những hiện vật có giá trị của di tích, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

Chú thích ảnh

Viên gạch thời Mạc được lưu giữ tại chùa. 

Đánh giá lại toàn bộ giá trị của cụm di tích, tìm hướng khắc phục

Trao đổi về sự việc xảy ra tại Cụm di tích kiến trúc đình, đền, chùa, nghè Đại Lâm, ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý Di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh bày tỏ sự tiếc nuối khi công trình nghệ thuật bị phá hủy. Đây là do sự thiếu hiểu biết của nhân dân địa phương và nhà chùa, và cũng là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác nhìn vào. Sau sự việc xảy ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá giá trị di tích tìm hướng xử lý, khắc phục hậu quả.

Căn cứ hồ sơ, lịch sử và hiện trạng các công trình kiến trúc, các di vật cổ vật hiện có tại di tích có thể xác định đình Đại Lâm được khởi dựng vào thời Lê, khoảng thế kỷ thứ XVIII. Dấu tích còn lại cho thấy đình trước đây có quy mô lớn bao gồm các công trình: Nghi môn, Tiền tế, Đại đình, chạy dọc hai đầu hồi Nghi môn và Tiền tế là hai dãy Tảo mạc mỗi bên 5 gian. Vào những năm 1977-1978 tòa Đại đình bị cháy, địa phương chuyển toàn bộ tòa Tiền tế vào vị trí của tòa Đại đình, và tận dụng gỗ cũ dựng phần Hậu cung để đặt ban thờ thành hoàng.

Hiện nay, đình có các công trình kiến trúc Nghi môn, Tiền tế và Hậu cung. Nghi môn 5 gian là công trình kiến trúc cổ kiểu 4 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ XVIII. Tiền tế 3 gian kiến trúc kiểu 4 mái, 4 mặt đều thoáng không có tường bao, hệ thống chịu lực tập trung ở các bộ vì và hệ thống cột có chạm khắc hoa văn trang trí. Hậu cung được xây dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đây là công trình được dựng lại từ việc tận dụng gỗ của Đại đình sau khi bị cháy năm 1978.

Chú thích ảnh

Nhân dân thôn Đại Lâm giới thiệu, lưu giữ, bảo quản những hiện vật quý tại chùa Thiên Phúc.

Với chùa Thiên Phúc, căn cứ vào những dấu vết còn sót lại, các nhà nghiên cứu xác định di tích vốn được xây dựng từ thế kỷ XVI, dấu vết là một hàng 3 viên gạch xây móng chùa có trang trí hình rồng mang phong cách mỹ thuật thời Mạc. Đến thế kỷ XVII-XVIII chùa được trùng tu mở rộng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, chùa là một địa điểm nuôi giấu cán bộ nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chính vì vậy, chùa đã bị thực dân Pháp phá hủy, năm 1949. Sau hòa bình, nhân dân xây dựng lại tòa Tam bảo và nhà tổ. Đến năm 1994, chùa được trùng tu tôn tạo; năm 2010, xây dựng nhà địa tạng, năm 2016 xây dựng nhà khách.

Ngôi chùa được xây dựng có tận dụng lại một số cấu kiện gỗ cũ của chùa cổ bị phá năm 1949. Nền móng tiền đường xây bằng gạch của chùa cũ, một số viên có hình rồng thời Mạc. Đặc biệt, giá trị lớn nhất của ngôi chùa là các hiện vật tiêu biểu là 8 bia khắc vào thời Lê, một chuông đồng "Thiên Phúc tự chung" thời Lê, 4 nghê đá thời Lê, hai rồng đá thời Lê. Vì vậy, yếu tố gốc cấu thành kiến trúc nghệ thuật chùa Thiên Phúc là yếu tố hiện vật, đặc biệt hệ thống bia đá, linh thú bằng đá, gạch xây có kiến trúc thời Mạc… Đây cũng là điều may mắn khi phục dựng lại di tích này, ông Nguyễn Hữu Mạo nhấn mạnh.

Kiên quyết xử lý sai phạm

Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo Quyết định số 10/2021/QĐ - UBND ngày 6 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định Quản lý di tích, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh, UBND xã Tam Đa phải thành lập Ban Quản lý  Di tích để thực hiện quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích của địa phương. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn tới 3 lần vi phạm hủy hoại Di sản văn hóa cấp quốc gia.

Chú thích ảnh

Rồng đá thời Lê còn được lưu giữ tại chùa Thiên Phúc. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã báo cáo UBND tỉnh toàn bộ sai phạm của địa phương, yêu cầu xử lý người đứng đầu để xảy ra sai phạm. Đồng thời, giao Ban Quản lý Di tích tỉnh hướng dẫn Ban Quản lý Di tích địa phương bảo quản, lưu giữ các tài liệu hiện vật tại di tích để thực hiện tu bổ và trình tự lập hồ sơ tu bổ theo đúng quy định. UBND tỉnh Bắc Ninh có tờ trình về việc thẩm định Báo cáo Kinh tế kỹ thuật công trình tu bổ phục hồi di tích đình Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét. Sở yêu cầu địa phương thực hiện lập Hồ sơ tu bổ chùa Thiên Phúc để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét quyết định.

Song song với đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra vi phạm trong quản lý và sử dụng Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật đình, đền, chùa, nghè Đại Lâm đối với các tập thể, cá nhân và sẽ xử lý nghiêm những sai phạm.

Nhằm tiếp tục quản lý tốt các di tích trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có công văn về việc chỉ đạo tăng cường công tác quản lý di tích trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh theo quy định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để xảy ra sai phạm.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu hiểu biết, người dân Bắc Ninh tự ý tu bổ di tích quốc gia