Tấp nập phiên chợ "cả năm chỉ họp một lần" ở tỉnh Nam Định

29/01/2023 06:15

Đa phần các gian hàng bày bán tại chợ Viềng là của người dân địa phương với những mặt hàng “của nhà trồng được” mang đi chợ bán lấy may đầu Xuân, vì thế mà người bán không đặt nặng vấn đề lời lãi.

Tap nap phien cho 'ca nam chi hop mot lan' o tinh Nam Dinh hinh anh 1

Mặc dù diễn ra trong đêm và rạng sáng nhưng chợ Viềng (Nam Định) lúc nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Đến hẹn lại lên, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng, chợ Viềng lại được tổ chức. Đây là phiên chợ truyền thống đặc sắc của nền văn minh lúa nước cả năm chỉ họp một lần duy nhất tại tỉnh Nam Định.

Đông đảo du khách từ khắp các tỉnh, thành lân cận tấp nập kéo về để “mua may, bán rủi."

Chiều tối mùng 7, các ngả đường đổ về Quần thể di tích Phủ Dầy, địa điểm tổ chức phiên chợ Viềng truyền thống tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã tấp nập dòng người đến với chợ Viềng.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, phiên chợ lại được tổ chức đúng vào dịp cuối tuần nên lượng người dân và du khách thập phương đi du Xuân đầu năm đông hơn.

Từ khoảng 20 giờ, phiên chợ đã rất náo nhiệt bởi tiếng người mua kẻ bán, tiếng chúc tụng nhau dịp đầu Xuân mới.

Chợ Viềng chính là một nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, khi các gian hàng tại đây chủ yếu bày bán đẩy đủ các loại dụng cụ lao động làm nông nghiệp như cuốc, xẻng, dao, liềm, thúng, mủng... cho đến các loại cây, các giống cây trồng đặc trưng của mọi vùng miền như cây hồng, cây sung, cây vú sữa, cây thanh long, cây hoa hồng, hoa giấy...

Đa phần các gian hàng bày bán tại chợ Viềng là của người dân địa phương với những mặt hàng “của nhà trồng được” mang đi chợ bán lấy may đầu Xuân, vì thế mà người bán không đặt nặng vấn đề lời lãi. Còn người mua, với chuyến xuất hành đầu năm, ai cũng mong được “mua lộc, rước may” về nhà nên cũng không nhiều người mặc cả.

Ông Nguyễn Văn Việt, người bán hàng tại chợ Viềng, cho biết nhà ông chuyên trồng các loại cây trà, cây hải đường, cây hoa giấy.

Năm nay, ông thử mang một ít cây trà đến chợ Viềng để bán lấy may. Ông nhận chỗ bày hàng bán từ chiều mùng 6 Tết và hiện đã bán được hơn một nửa số cây. Ông hy vọng đến sáng sớm mùng 8 sẽ bán hết hàng như mọi năm.

Đêm mùng 7, dòng người đổ về chợ Viềng ngày càng đông, mọi người phải nhích từng chút một tiến vào chợ để du Xuân và chọn cho mình những món đồ ưng ý nhất.

Tại phiên chợ “cầu may” này, ngoài các gian hàng bày bán cây cối được các du khách ghé thăm nhiều nhất, các gian hàng bày bán đồ giả cổ và dụng cụ làm nông nghiệp cũng khá nhiều người mua.

Anh Trần Mạnh Hùng, du khách đến từ tỉnh Hà Nam, cho hay năm nào anh cũng đi chợ Viềng. So với các năm trước, năm nay chợ Viềng đông hơn hẳn, người và phương tiện nối đuôi nhau thành hàng dài nhích từng tí một mới có thể vào chợ.

"Năm nay, tôi chọn mua một số đồng tiền cổ với hy vọng có được may mắn, tiền tài cho cả năm," anh Hùng chia sẻ.

Những năm gần đây, giao thông đi lại thuận tiện nên nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình… có thể dễ dàng đi chợ Viềng trong ngày.

Hiện nay, ngoài việc được tổ chức tại xã Trung Thành, chợ Viềng còn được tổ chức tại thị trấn Gôi và xã Kim Thái (huyện Vụ Bản), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách đi chợ mua lộc đầu năm. Nhiều du khách cũng kết hợp dịp này để đi vãn cảnh đình, chùa cầu mong một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn.

Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, chợ Viềng năm nay được tổ chức đúng dịp cuối tuần nên dự kiến lượng du khách về chợ sẽ rất đông.

Để bảo đảm an ninh trật tự, Ban tổ chức đã bố trí khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 vòng với 35 chốt tổ chức phân luồng giao thông; kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan tại chợ và các khu di tích; đặc biệt là ngăn chặn tình trạng người ăn xin, trộm cắp và các hoạt động chèo kéo khách.

Tại Nam Định có 2 chợ Viềng nổi tiếng là chợ Viềng phủ ở huyện Vụ Bản và chợ Viềng chùa ở huyện Nam Trực.

Chợ Viềng chùa tại huyện Nam Trực là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, còn chợ Viềng phủ tại huyện Vụ Bản là nơi có quần thể di tích Phủ Dầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong "Tứ bất tử" thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cùng với Lễ hội đền Trần, chợ Viềng chính là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp mọi miền trong những ngày đầu Xuân mới tại tỉnh Nam Định.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấp nập phiên chợ "cả năm chỉ họp một lần" ở tỉnh Nam Định