Mặc dù điều kiện gia đình gặp khó khăn nhưng nhiều vận động viên nỗ lực luyện tập, thi đấu hết mình để mang vinh quang về cho thể thao Hải Dương...
Ở các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh hiện có nhiều vận động viên (VĐV) có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi nhưng luôn nỗ lực, phấn đấu vươn lên để đem về vinh quang cho thể thao Hải Dương.
Nhiều thiệt thòi
Nhiều năm nay, các thành viên trong Câu lạc bộ Bắn súng tỉnh đều biết và cảm thông với hoàn cảnh của xạ thủ Phạm Thị Hà. Bố mẹ Hà làm công nhân nhưng nghỉ mất sức từ sớm. Bố Hà lại là thương binh nên thường xuyên bị đau ốm. Đặc biệt, năm 2003, em trai của Hà bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não phải có người chăm sóc. Từ đó, Hà phải xin phép bố mẹ chồng về ở nhà bố mẹ đẻ để tiện việc chăm sóc cho em. Tiền lương ít ỏi nên bố Hà phải đi sửa xe, chở xe ôm, còn mẹ Hà lo chạy chợ. Do đó, chi phí sinh hoạt của gia đình, thuốc thang cho người em, vợ chồng Hà phải cùng gánh vác một phần. Chồng Hà là anh Nguyễn Tuấn Hải cũng là VĐV môn bắn súng nên ít có điều kiện chăm sóc gia đình. VĐV Hà kể: “Chủ yếu thời gian em tập ở đội tuyển quốc gia, khi con đầu lòng mới được 14 tháng, em đã phải đưa cháu lên ở cùng. Ban ngày, em nhờ người trông hộ. Thời gian đi học, hay tập tối, em phải mang con đi gửi nhờ VĐV phòng bên cạnh. Nhiều lúc nghĩ thương con nhưng không biết làm cách nào”.
Hoàn cảnh của VĐV đội tuyển cử tạ Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1987) quê ở thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An (Kinh Môn) cũng rất khó khăn. Hòa là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Bố Hòa là thương binh bị mất 71% sức khỏe. Hiện nay, bố Hòa đã 96 tuổi, mẹ 65 tuổi, không còn khả năng lao động. Nhiều năm nay, hằng tháng, Hòa đều dành khoảng 1 triệu đồng tiền lương hỗ trợ bố mẹ. Để có số tiền đó, Hòa phải tiết kiệm chi tiêu, chỉ dám sắm đồ dùng cần thiết, nhiều lúc muốn mua ít đồ mỹ phẩm hay đồ trang sức nhưng lại thôi.
Mặc dù điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng vận động viên cử tạ Nguyễn Thị Hòa
luôn nỗ lực luyện tập, thi đấu để mang về vinh quang cho thể thao Hải Dương
Hiện nay, trong các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh, số lượng VĐV có hoàn cảnh khó khăn chiếm khoảng 30%. Nhiều VĐV kinh tế gia đình túng thiếu, bố, mẹ hoặc cả bố mẹ mất sớm, bố mẹ ly hôn...
Chinh phục đỉnh caoNhững khó khăn, vất vả, thiệt thòi trong đời riêng không làm các VĐV chùn bước, mà ngược lại, đó lại là động lực cho họ luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên để chinh phục đỉnh cao.
Xạ thủ Phạm Thị Hà chuyên về súng ngắn và sở trường ở nội dung súng ngắn 25 m. Môn bắn súng, đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối nên Hà luôn kiên trì, miệt mài tập luyện. Với niềm đam mê và không ngại khó khăn, gian khổ, từ ngày tham gia thi đấu, VĐV Hà đã đem về nhiều thành tích cao không chỉ cho thể thao Hải Dương mà cả thể thao Việt Nam. Trong đó, ở giải vô địch quốc gia, hầu như năm nào xạ thủ Hà cũng giành huy chương vàng (HCV). Cô đã đoạt 2 HCV tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc, lần thứ V, VI. Đặc biệt, đến nay chưa có VĐV nào phá được kỷ lục quốc gia do VĐV Hà thiết lập năm 2010 Hà còn giành 2 HCV ở SEA Games, nhiều lần giành HCV giải vô địch Đông Nam Á và 2 lần tham dự ASIAD. Với những thành tích đã đạt được, Hà trở thành một trong những nữ xạ thủ giàu thành tích nhất quốc gia.
Tập luyện, thi đấu môn cử tạ rất gian khổ, đối với VĐV nữ càng vất vả hơn. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, VĐV Nguyễn Thị Hòa từng bước vượt qua những khó khăn, nặng nhọc. Mỗi buổi tập, chị Hòa phải nâng 5 - 7 tấn, buổi tập nặng, phải nâng 10 - 15 tấn. Công sức Hòa bỏ ra đã thu được những kết quả đáng tự hào. Đến nay, VĐV Hòa đã giành được 4 HCV tại giải vô địch toàn quốc vào các năm 2007, 2008, 2013; huy chương bạc ở các kỳ Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ V, VI... Hòa cũng vừa hoàn thành chương trình học đại học. Hiện nay, VĐV Hòa đang nỗ lực tập luyện để phấn đấu giành HCV tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VII (năm 2014).
Những năm qua, các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh đều có sự quan tâm, động viên cho các VĐV có hoàn cảnh khó khăn như: hỗ trợ 50 - 100% tiền học phí, chế độ chăm sóc y tế được ưu tiên hơn. VĐV đạt đẳng cấp được tạo điều kiện đi học chuyên nghiệp sớm. Vào ngày lễ, Tết, lãnh đạo các trung tâm và bộ môn đều đến gia đình VĐV thăm hỏi, động viên. Nhờ đó, thời gian qua, các VĐV đều yên tâm tập luyện, thi đấu và có những đóng góp quan trọng cho thể thao tỉnh nhà, trở thành những tấm gương tốt cho VĐV khác noi theo.
DANH TRUNG