Xuất ngũ trở về địa phương và được bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Minh Phúc đã đóng góp công sức rất lớn cho các phong trào của địa phương.
Bí thư Chi bộ Nguyễn Minh Phúc có vai trò rất lớn trong việc xây dựng thôn Trại Sắn thành làng văn hóa
Suốt 20 năm gắn bó với cơ sở, với vai trò là Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Minh Phúc, 54 tuổi, ở thôn Trại Sắn, xã Thượng Quận (Kinh Môn) đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình điện, đường, kênh mương, nhà văn hóa... Bí thư Phúc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thôn Trại Sắn trở thành làng văn hóa.
Trại Sắn là thôn nhỏ nhất của huyện Kinh Môn. Cả thôn chỉ có 81 hộ, 311 nhân khẩu, 13,1 ha đất canh tác, 32,8 ha rừng đặc dụng. Năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, Chi bộ thôn đã ra nghị quyết xây dựng Trại Sắn trở thành làng văn hóa. Trên cơ sở đó, thôn Trại Sắn dự kiến xây dựng nhà văn hóa, kinh phí dự toán khoảng 250 triệu đồng. Thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thôn Trại Sắn đã tổ chức hội nghị nhân dân lấy ý kiến tham gia xây dựng nhà văn hóa. Qua hội nghị có 51,85% số hộ đồng ý với phương án của thôn đưa ra về quy mô xây dựng, mức đóng góp. Những ý kiến không đồng ý cho rằng, điều kiện kinh tế nhân dân còn khó khăn do những năm trước đó nhân dân đã đóng góp xây dựng kênh mương, làm đường điện, đường bê-tông. Do đó, để năm 2010 xây dựng cũng chưa muộn. Có người đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng, tận dụng nhà văn hóa cũ đã xây dựng năm 2000. Đặc biệt có ý kiến phản đối, lôi kéo, kích động những thành phần từ trước đến nay bất đồng với lãnh đạo thôn, không ủng hộ xây dựng làng văn hóa và nhà văn hóa. Bí thư Phúc cho biết: "Chúng tôi xác định việc xây dựng làng văn hóa là công việc của cả làng chứ không phải chỉ hơn 51% số hộ. Nếu cứ tiến hành xây dựng với hơn 48% số hộ còn lại không ủng hộ thì việc xây dựng là gượng ép. Do đó, chi bộ đã quyết định dừng việc triển khai xây dựng nhà văn hóa để tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân".
Với vai trò là Bí thư chi bộ, đồng chí Phúc đã chủ động gặp gỡ đồng chí đảng viên có ý kiến trái với nghị quyết của chi bộ, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm mà đồng chí này mắc phải. Cuối cùng đảng viên này cũng nhận ra khuyết điểm và hứa với chi bộ sẽ sửa chữa, vận động 5 hộ được phân công phụ trách đồng ý xây dựng nhà văn hóa và làng văn hóa. Cùng với đó, đồng chí Phúc tiếp tục phân công đảng viên phụ trách hộ gặp gỡ, vận động các gia đình ủng hộ việc xây dựng nhà văn hóa, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả năm. Chi bộ giao nhiệm vụ cho các chi hội, nhất là Chi hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh họp các hội viên, mạnh dạn bày tỏ chính kiến phê phán những hội viên chưa tích cực ủng hộ. Ngoài ra, chi bộ quyết định điều chỉnh lại quy mô xây dựng và mức đóng góp. Cụ thể là, giảm diện tích nhà văn hóa xuống còn 150 m2, giữ lại 40m2 của nhà văn hóa cũ và xây mới 110m2; nguồn kinh phí được điều chỉnh xuống còn 200 triệu đồng, nhân dân chỉ phải đóng góp 50% so với dự kiến ban đầu.
Sau 6 tháng kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đồng chí Phúc và chi bộ quyết định tổ chức hội nghị nhân dân lần thứ 2 để thống nhất chủ trương xây dựng nhà văn hóa. Tại hội nghị, 100% số hộ đồng ý xây dựng nhà văn hóa. Sau đó, chi bộ đã ra nghị quyết chính thức về việc xây dựng nhà văn hóa và làng văn hóa. Tháng 10 - 2009, thôn Trại Sắn đã khởi công xây dựng nhà văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng gặp khó khăn do chưa có kinh phí để mua vật liệu. Bí thư Phúc đã vận động cán bộ, đảng viên, hưu trí có điều kiện kinh tế cho thôn vay tiền, đồng thời yêu cầu toàn bộ đảng viên gương mẫu đóng góp ngay toàn bộ số tiền phải nộp. Kết quả, 100% số đảng viên trong thôn đã nộp số tiền phải đóng góp theo quy định, đồng thời cho thôn vay không tính lãi 21 triệu đồng. Riêng đội thợ của làng trực tiếp xây dựng nhà văn hóa cũng ủng hộ bằng cách không yêu cầu thôn phải trả ngay 67 triệu đồng tiền công sau khi hoàn thành công trình mà để khi nào thôn có tiền trả thì mới nhận. Trước sự đồng thuận cao của nhân dân và sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, đội thợ xây của thôn, nhân dân trong thôn đã tự nguyện tham gia hàng trăm ngày công để san tản sân khu trung tâm, làm nhà vệ sinh, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Với khí thế ấy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, nhà văn hóa thôn Trại Sắn đã xây dựng xong. Cuối năm 2009, UBND huyện Kinh Môn đã quyết định công nhận thôn Trại Sắn đạt danh hiệu làng văn hóa.
Dù là bệnh binh mất 75% sức khỏe nhưng suốt 20 năm sau khi xuất ngũ trở về địa phương với quân hàm đại úy và được bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Phúc đã đóng góp công sức rất lớn cho các phong trào của địa phương. Ngoài việc vận động nhân dân đóng góp và xây dựng nhà văn hóa và thôn Trại Sắn đạt danh hiệu làng văn hóa, từ năm 1994 đến năm 1996, đồng chí Phúc và gia đình đã nhận 7,5 ha trồng rừng phủ xanh đất trắng đồi trọc, vận động nhân dân tham gia trồng được hàng chục ha rừng, góp phần bảo vệ cảnh quan sinh thái khu di tích An Phụ. Bí thư Chi bộ Nguyễn Mạnh Phúc thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
VŨ ÚY