Thiếu cơ chế hỗ trợ, không có hành lang pháp lý chặt chẽ khiến ngành công nghiệp phụ trợ ở tỉnh Hải Dương chưa phát triển.
Hàng năm, Công ty TNHH Uniden Việt Nam vẫn phải nhập tới 80% linh kiện phục vụ sản xuất
Tỷ lệ nội địa hóa thấpTheo Cục Thống kê tỉnh, tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2014 ước đạt 2 tỷ 998 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ gồm: vải may mặc tăng 17,4%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 14,4%; phụ liệu giầy tăng 6,0%; thức ăn gia súc tăng 5,9%... Việc nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất công nghiệp tăng chứng tỏ ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng.
Mỗi năm Công ty TNHH Uniden Việt Nam (Cẩm Giàng) xuất trên 2,5 triệu máy bộ đàm, phát sóng, điện thoại để bàn không dây sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc... Ông Ngô Minh Hải, Trưởng phòng Xuất, nhập khẩu Công ty TNHH Uniden Việt Nam cho biết, công ty phải nhập khẩu trên 80% số linh kiện, chủ yếu từ Trung Quốc. Hiện tại, các doanh nghiệp trong tỉnh mới cung cấp được bao bì các-tông, túi ni-lông để đóng gói sản phẩm. Thời gian gần đây, công ty đã sử dụng một số loại ốc vít do một doanh nghiệp trong nước cung cấp. Theo ông Hải, việc nhập khẩu quá nhiều linh kiện khiến giá thành sản phẩm tăng lên, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong cạnh tranh.
Mấy năm nay, Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Nam Sách) luôn duy trì vị thế là một trong những doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam. Mỗi năm, công ty sản xuất và xuất khẩu khoảng 60 triệu sản phẩm quần áo các loại, đạt kim ngạch trên 250 triệu USD. Tuy nhiên, công ty này cũng phải nhập trên 70% lượng nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, trong đó có những nguyên liệu chính như vải, khuy, khóa, nhãn mác, thiết bị kỹ thuật... Những sản phẩm đơn giản như chỉ may, thùng các-tông, túi ni-lông để đóng hàng và một số nhãn mác đơn giản công ty mới sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp sản xuất CNPT trên địa bàn tỉnh rất ít, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất các mặt hàng giá trị thấp như thùng các-tông, thùng gỗ, túi ni-lông, khuôn mẫu nhựa, cơ khí...
Doanh nghiệp e ngạiTheo ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương thì nguyên nhân chủ yếu khiến CNPT yếu kém, chậm phát triển xuất phát từ cơ chế hỗ trợ không đồng bộ thiếu một hành lang pháp lý chặt
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, khả năng cung ứng tại Việt Nam về nguyên liệu và linh kiện phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ đạt mức 28,7%, trong khi của Thái Lan là 53%, Trung Quốc 59,7%... |
chẽ, hiệu quả. Nước ta chưa xây dựng được chiến lược chung, thống nhất cho các ngành CNPT. Vì vậy, các doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư phát triển CNPT do chưa nhìn thấy đầu ra cho sản phẩm. Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thực sự cố gắng, chưa chủ động tiếp cận, xâm nhập vào chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp. Các nhà cung cấp thiết bị phụ tùng chưa vươn lên chiếm lĩnh thị trường, chưa chủ động tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư do hàng nhập giá rẻ tràn lan trên thị trường.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp lớn không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài về trình độ kỹ thuật, vốn và khả năng tiếp cận thị trường. Vì vậy, phát triển CNPT chính là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là cứu cánh cho nền kinh tế. Phát triển CNPT cần một chương trình dài hơi, bài bản, bởi ngành công nghiệp này đòi hỏi đầu tư lớn, lợi nhuận không cao, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài. Nếu không có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, bài bản, rất ít doanh nghiệp dám đầu tư vào ngành CNPT do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài rất khốc liệt.
Công ty TNHH May Tinh Lợi phải nhập khẩu 70% nguyên liệu phục vụ sản xuất
Phát triển CNPT cần có sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía. Về phía chính sách phát triển một số ngành CNPT, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ các dự án sản xuất sản phẩm CNPT sẽ được khuyến khích về thị trường, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi vốn vay, chính sách thuế... Hiện tại, tỉnh ta đang xây dựng quy hoạch phát triển CNPT đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, trong đó đề ra nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, đất đai, nguồn nhân lực... nhằm phát triển ngành sản xuất này tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.
THỦY LONG
Cần hành lang pháp lý có tính ràng buộc cao
Những năm qua, phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT) đã được các cấp, các ngành quan tâm bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, CNPT trên địa bàn tỉnh vẫn dậm chân tại chỗ. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia vào chuỗi sản phẩm, sản xuất riêng lẻ nên khi khủng hoảng kinh tế nổ ra dễ gặp khó khăn hơn. Theo tôi, để CNPT phát triển, trước hết các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cách làm ăn chuyên nghiệp, liên kết thành chuỗi để hỗ trợ lẫn nhau. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ, sát thực tế và một hành lang pháp lý chặt chẽ, có tính ràng buộc cao...
ÔngNGUYỄN XUÂN MINH Phó phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương
Quy hoạch phát triển theo khu vực
Những năm qua, công nghiệp trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, việc quan tâm hỗ trợ ngành CNPT phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp chưa thực sự được Nhà nước quan tâm. Vì vậy, CNPT hiện rất thiếu và yếu. Công ty chúng tôi chuyên gia công giày xuất khẩu sang châu Âu từ nhiều năm nay, nhưng hầu hết các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giày như nguyên liệu da, giả da, nhựa PU, kim khâu đều phải nhập từ nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc. Hiện cũng có vài nguyên liệu có thể nhập trong nước nhưng do công nghệ lạc hậu, giá thành cao, chất lượng thấp nên không đáp ứng được yêu cầu.
Để khắc phục những vấn đề trên, theo tôi Nhà nước cần đặc biệt quan tâm phát triển CNPT. Trước hết cần có quy hoạch và phát triển ngành này tập trung theo từng vùng, từ đó hình thành các khu CNPT. Ví dụ từ quy hoạch phát triển ngành sản xuất da giày phía Bắc nên có quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu ổn định về da, giả da, các nguyên liệu phụ trợ khác để phục vụ cho ngành sản xuất giày.
ÔngNGUYỄN VĂN VINH Giám đốc Công ty CP Giày Hải Dương
Có chính sách hỗ trợ đồng bộ
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh có thể tham gia vào lĩnh vực CNPT, đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp, Nhà nước cần xác định rõ các ngành, các lĩnh vực cần ưu tiên, khuyến khích phát triển. Từ đó, dành ra quỹ đất để thu hút đầu tư, đồng thời có cơ chế hỗ trợ về vốn vay trung và dài hạn với lãi suất thấp...Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những quy định cụ thể để khi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, buộc họ phải quan tâm đến việc "bắt tay" với doanh nghiệp trong nước để làm các lĩnh vực phụ trợ. Như vậy, Nhà nước sẽ có sự ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài. Các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến chính sách khuyến công, khuyến khích các doanh nghiệp phụ trợ phát triển trên địa bàn.
ÔngĐẶNG XUÂN THƯỞNGGiám đốc Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu
|