Mặc dù học sinh đã đi học trở lại nhưng việc triển khai dạy trực tuyến vẫn rất quan trọng, nhất là với học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Sau một thời gian dạy học trực tuyến, các giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) đã thuần thục hơn trong sử dụng công nghệ thông tin
Học sinh THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã trở lại trường sau một thời gian khá dài phải nghỉ ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh thở phào nhẹ nhõm khi không còn phải đối diện với những áp lực, khó khăn như trong giai đoạn dạy và học trực tuyến vừa qua. Ở bậc tiểu học, việc học trực tuyến vẫn tiếp diễn dù các em đang chuẩn bị tới trường sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh đã nỗ lực triển khai dạy học trực tuyến (trừ bậc mầm non). Tại nhiều trường, tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 95-100%.
Nhiều cơ sở giáo dục đã tăng cường mua sắm trang thiết bị máy móc, nâng cấp phần mềm, cài đặt phần mềm mới, nâng cấp đường truyền internet. Nhiều giáo viên cũng tự trang bị thêm thiết bị cho riêng mình. Nhiều thầy cô vốn ít hoặc lười tiếp cận với công nghệ đã tự vươn lên để đáp ứng yêu cầu. Việc soạn bài, giảng dạy, giao và chấm bài tập, trao đổi thông tin với học sinh... đều thực hiện qua hình thức trực tuyến giúp mỗi giáo viên năng động, sáng tạo hơn. Cô giáo Lê Thị Phấn (52 tuổi), Trường Tiểu học Lương Điền (Cẩm Giàng) giờ đã sử dụng thành thạo các thiết bị, phần mềm để soạn giáo án, giảng bài qua mạng, điều mà trước đây cô không thể hình dung nổi.
Nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đã thành lập các tổ nghiệp vụ công nghệ thông tin để giúp đỡ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh. Các giáo viên trong những nhóm này cho biết đã trải qua khoảng thời gian làm việc vất vả chưa từng có tiền lệ, nhưng qua đó giúp họ nâng cao hơn kỹ năng nghiệp vụ, phát huy hiệu quả làm việc nhóm...
Đợt dạy học trực tuyến vừa qua giống như "cuộc tập trận" của toàn ngành để ứng phó với những diễn biến bất ngờ của thiên tai, dịch bệnh. Học sinh cũng trưởng thành thêm về khả năng tự thu xếp việc học, khả năng ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Sau các buổi học trực tuyến, nhiều em tự tổ chức các nhóm ôn tập, trao đổi kiến thức qua mạng. Nhiều bài học được rút ra cho cả nhà trường và gia đình, thậm chí cả doanh nghiệp. Đó là muốn dạy học trực tuyến tốt thì cả nhà trường, giáo viên, học sinh phải có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cùng với nhà trường, các gia đình cần quan tâm mua sắm các thiết bị công nghệ phục vụ việc học tập của con. Với những gia đình khó khăn, không có điều kiện để mua thiết bị cho con, các cơ sở giáo dục cần rà soát, huy động nguồn lực hỗ trợ. Ngành giáo dục cần nghiên cứu, tìm ra phần mềm dạy học trực tuyến tối ưu nhất, áp dụng cho tất cả các trường thay vì để mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau. Các nhà mạng nâng cao chất lượng đường truyền để đáp ứng nhu cầu.
Việc dạy trực tuyến kiến thức mới của học kỳ II được tính trong chương trình giảng dạy. Những ngày đầu học sinh đi học trở lại, giáo viên các cơ sở giáo dục đều dành một vài tiết đầu để ôn tập, củng cố lại phần kiến thức đã học trực tuyến cho các em, trong đó có cả những em trước đó không có thiết bị để học trực tuyến. Trường THPT Nam Sách II còn dồn những học sinh thuộc diện này vào một lớp theo từng khối để giáo viên cốt cán củng cố lại kiến thức.
Mặc dù học sinh đã đi học trở lại nhưng việc triển khai dạy trực tuyến vẫn rất quan trọng, nhất là với học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Hiện học sinh các trường chưa học buổi 2 nên việc ôn tập, củng cố kiến thức cho các em vẫn được giáo viên ở hầu hết các trường tổ chức qua dạy học trực tuyến. Các giáo viên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên việc này không có gì khó khăn.
Lãnh đạo nhiều trường học ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương cho biết học sinh sẽ học kiến thức mới vào buổi sáng tại trường. Buổi chiều hoặc buổi tối, các giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớp 9 sẽ dành thời gian dạy trực tuyến (không thu phí) để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo viên các trường THPT cũng áp dụng tương tự đối với học sinh lớp 12.
BÌNH MINH