Văn bia viết bằng 3 ngôn ngữ: Hán Nôm, chữ Pháp, chữ Việt hiện đại, đang hiện hữu cạnh gốc đa trong khuôn viên Trường THCS Ngô Gia Tự, phường Quang Trung, TP Hải Dương.
|
Văn bia nằm trong khuôn viên Trường THCS Ngô Gia Tự (TP Hải Dương) đang có nguy cơ bị hủy hoại |
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng Hội Tư văn ngày xưa được Hội Khuyến học ngày nay nối tiếp truyền thống. Nhận xét này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ bởi năm 1897, tỉnh Hải Dương còn có Hội Trí tri được phản ánh trong văn bia Hải Dương Trí tri hội. Văn bia viết bằng 3 ngôn ngữ: Hán Nôm, chữ Pháp, chữ Việt hiện đại, đang hiện hữu cạnh gốc đa trong khuôn viên Trường THCS Ngô Gia Tự, phường Quang Trung, TP Hải Dương.
Văn bia được làm từ khối đá hình chữ nhật, tạo vòm ở đầu bia (trán bia). Giữa vòm tạo ô hình chữ nhật bằng đường viền nổi, bên trong khắc dòng chữ Hán: Hải Dương Trí tri hội (Hội Trí tri Hải Dương). Bia cao 157cm, dày 20 cm. Lòng bia có kích cỡ: 107x 84 cm, rèm rộng 7,5 cm. Trên đầu thân bia khắc in dòng chữ Hán theo hàng ngang, thứ tự từ phải sang trái: “Sáng lập nhất thiên bát bách cửu thập thất niên thất nguyệt, thập tam nhật”. Câu này dịch nghĩa là: Hội Trí tri Hải Dương, sáng lập ngày 13-7-1897. Hoa văn trên trán bia hình cách điệu rồng mây, xung quanh rèm bia khắc hình lá cây cách điệu.
Mặt trước khắc in 20 dòng chữ Hán Nôm, kiểu chữ thảo chân phương. Đoạn gần cuối dòng thứ 2 ghi tên 1 người bằng chữ Pháp, kiểu chữ in hoa theo lối từng âm tiết từ trên xuống dưới: ROBINEAU. Dòng cuối ghi niên đại văn bia: Tháng 5 năm Khải Định 9 (1924).
Mặt sau, trên vòm bia khắc in dòng chữ Hán: Kỷ niệm bi (bia kỷ niệm) và dòng chữ: “Trùng tu nhất thập cửu bách nhị thập tứ niên” (trùng tu năm 1924) trên trán bia. Thân bia, phần nửa trên khắc in 13 dòng chữ Pháp và chữ Việt hiện đại không dấu, phần chính giữa khắc chữ Hán Nôm: “Tán thành hội viên (hội viên tán thành) và danh sách những người tán thành; phần cuối khắc in chữ Việt hiện đại, kiểu chữ in hoa có dấu. Năm 1998, chúng tôi còn đọc được dòng chữ Việt này nhưng hiện tại đã bị vùi lấp trong đất và rễ cây. Ông Lưu Đức Ý, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp ngữ tỉnh, cựu học sinh Trường Trung học Hải Dương năm 1950 cho biết, dòng chữ Pháp ở mặt 2 văn bia mang nghĩa: Hội Hỗ trợ giáo dục tỉnh Hải Dương, thành lập năm 1897. Chủ tịch danh dự của hội là vị Công sứ ALFRED- BOUCHET (Bút-xê). Tên của 11 hội viên danh dự, gồm những vị người Pháp, người Việt có chức sắc khi đó còn đương chức như: Công sứ Bút-xê, Tổng đốc Nguyễn Văn Bân, Án sát Nghiêm Thuý Ưng, thư ký thành phố Văng-đec-ca, bác sỹ Đờ-vi và người đã nghỉ hưu như: Công sứ Đơ-vi, Tổng đốc Từ Đạm, Tuần phủ Nguyễn Huy Tưởng. Báo cáo năm 1899 của công sứ nhận xét: Học sinh trường tiểu học là những người lớn đã biết chữ Hán Nôm học chữ Pháp, chữ Việt ở Hội Trí tri "rất chăm chỉ".
Phần chữ Hán, văn bia ghi 2 nội dung: Bài ký về Hội Trí tri, danh tính hội viên. Bài ký Hội trí tri nói rằng: Tỉnh Hải Dương ngày xưa gọi là Hải Đông, là đơn vị hành chính trọng yếu (Hải Đông trọng trấn dã). Hải Đông vốn có một hệ thống cơ sở vật chất để khuyến khích người học tập theo đạo của thánh hiền (cựu học). Từ những người vốn được ăn học dựng lên một toà nhà mới (tân học đường), có sân, ruộng. Toà nhà và sân, ruộng ấy gọi là Trí tri học sở. Mục đích của Hội Trí tri là khuyến khích người học, đầu tiên là học để biết, rồi biết tường tận do được biết nguyên lý sự vật (đây là câu văn được rút ra từ sách Đại học của Mạnh Tử, thuộc sách kinh điển Nho gia, sách giáo trình cơ bản của người học theo lối cựu học). Người đề xướng thành lập Hội Trí tri ở Hải Dương là vị quan Sứ toà phán sự Lê Bá Tư. Người tán thành là Công sứ Lỗ Bi Nỗ (ROBINEAU), Tổng đốc Vũ Quang Nhạ, Án sát Nguyễn Hữu Đắc. Bài ký còn cho biết, toà nhà học đường chịu mưa nắng đã hơn 20 năm và đặt câu hỏi sau này ai là người lo việc kế tục gìn giữ, phát huy giá trị. Ông Tống Sơn Vũ Đình Khôi là người tỉnh Thanh Hoá(?) nhiều lần tới thăm toà nhà của hội có nguyện vọng cùng các bạn hữu thân thiết tính việc tán trợ. Được vị Chánh công sứ Phụ Xa, Tổng đốc đương chức Từ Đạm đồng ý, việc quyên góp tiền được hơn một ngàn (đồng?) nên toà nhà Hội Trí tri được sửa sang hoành tráng hơn.
Phong tục, nhân tâm từ xưa đã liên quan đến học thuật. Mở rộng học thuật để mọi người hiểu biết tường tận sự vật do biết nguyên lý của nó và như thế càng hiểu rõ được phong tục, nhân tâm hơn. Đó là ý nguyện của Huấn đạo, người huyện Côi Trì tỉnh Ninh Bình, Cử nhân Nguyễn Đình Đoàn (Chuyên), người soạn bài ký trong văn bia.
Phần tính danh hội viên ghi họ và tên 90 người và 3 người nhắc tên trong bài ký. Tổng số hội viên gồm 93 người.
Lo việc viết và khắc chữ vào văn bia là ông Hội trưởng Tống Sơn Vũ Đình Khôi.
Giá trị của văn bia cho ta biết: Hội Trí tri tỉnh Hải Dương thành lập chỉ sau 5 năm khi Hội Trí tri trung ương thành lập, phản ánh tư tưởng hội nhập nhanh của Hải Dương với trào lưu khuyến học mới. Làm nên hồn cốt cho Hội Trí tri tỉnh là những người được học hành, có tâm, có chức sắc, có tài chính ở Hải Dương. Kinh nghiệm này rất có giá trị tham khảo khi chúng ta đang thực hiện công tác khuyến học. Theo điều tra riêng của chúng tôi thì tấm bia khắc bằng 3 ngôn ngữ (Hán Nôm, Pháp, tiếng Việt hiện đại), là một di sản văn hoá thuộc loại hình văn bia có một không hai ở Hải Dương. Giá trị của văn bia còn là cứ liệu lịch sử, nhờ văn bia mà nay ta biết được chính xác ngày thành lập Hội Trí tri Hải Dương, tiền thân của Hội Khuyến học tỉnh ngày nay. Tên những vị công sứ, tổng đốc đương nhiệm, những người có năng lực về tài chính (vào thời điểm năm 1897, năm 1924) có tâm với sự nghiệp giáo dục, khuyến khích học tập theo phương pháp mới là nguồn sử liệu lịch quý cho ngành giáo dục.
Mưa nắng, đất và rễ cây đang bào mòn, vùi lấp nét chữ, nguy cơ chữ viết trên bia bị huỷ hoại. Chữ viết trên văn bia mất đồng nghĩa với dấu vết lịch sử bị xoá. Theo Luật Di sản văn hoá, văn bia Hải Dương Trí tri hội cần được chính quyền sở tại, Trường THCS Ngô Gia Tự, ngành giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh cùng cơ quan chuyên môn về văn hoá có nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị.
VĂN LỘC