Quy định mới về đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể

26/04/2021 08:28

Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 đã sửa đổi quy định đối thoại tại nơi làm việc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định kéo dài thời gian phải tiến hành đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Theo đó, đối với trường hợp đối thoại định kỳ, người sử dụng lao động phải tiến hành đối thoại ít nhất 1 năm/lần, BLLĐ năm 2012 quy định thời hạn ngắn hơn là định kỳ 3 tháng/lần. Như vậy, đây là một quy định có lợi cho các bên liên quan khi không phải tiến hành đối thoại với tần suất ngắn là 3 tháng/lần, gây tốn kém thời gian và chi phí cũng như các công tác chuẩn bị khác; đồng thời khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp đối phó bằng hình thức các bên lập biên bản sau đó ký vào với nội dung không có gì để đối thoại.

Thứ hai, mở rộng trường hợp phải tiến hành đối thoại tại nơi làm việc.

BLLĐ năm 2012 chỉ quy định tiến hành đối thoại trong 2 trường hợp: Đối thoại định kỳ 3 tháng/lần và đối thoại theo yêu cầu của một bên.

Nhưng quy định mới đã bổ sung thêm một số trường hợp phải tiến hành đối thoại tại nơi làm việc. Cụ thể, đối thoại định kỳ ít nhất 1 năm/lần; đối thoại theo yêu cầu của một hoặc các bên; đối thoại khi có vụ việc xảy ra tại nơi làm việc như người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động (nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc...); vấn đề về lương, thưởng...

Thứ ba, mở rộng nội dung đối thoại tại nơi làm việc.

BLLĐ năm 2019 quy định thêm một nội dung đối thoại là: “Nội dung mà một bên quan tâm”. Như vậy chỉ cần có sự yêu cầu của một bên là đủ điều kiện để thảo luận, trao đổi tại buổi đối thoại, trong khi BLLĐ năm 2012 chỉ quy định “Nội dung mà hai bên quan tâm”.

BLLĐ năm 2019 cũng bổ sung một số quy định về thỏa ước lao động tập thể như sau: 

Thứ nhất, quy định mở rộng phạm vi áp dụng thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. 

Cụ thể, khi một thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có phạm vi áp dụng chiếm trên 75% số người lao động hoặc trên 75% số doanh nghiệp cùng ngành, nghề, lĩnh vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện của người lao động tại đó đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mở rộng phạm vi áp dụng một phần hoặc toàn bộ thỏa ước đó đối với các doanh nghiệp cùng ngành, nghề, lĩnh vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Thứ hai, bổ sung quy định về gia nhập và rút khỏi thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.

PV (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định mới về đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể