Vai trò, vị thế Việt Nam: Đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu

24/01/2021 09:36

Đảng từng bước chuyển sang định hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế... Thứ tự ưu tiên trong quan hệ với các đối tác là các nước láng giềng, các đối tác lớn, đối tác quan trọng.

Vai tro, vi the Viet Nam: Dua cac quan he hop tac di vao chieu sau hinh anh 1

Sáng 12.11.2017, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ định hướng hoạt động đối ngoại: “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu...”

Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn," “là bạn, là đối tác tin cậy," “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế," Đảng từng bước chuyển sang định hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế... Thứ tự ưu tiên trong quan hệ với các đối tác là các nước láng giềng, các đối tác lớn, đối tác quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với Lào, Campuchia và Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ với các đối tác phát triển, có tiềm lực lớn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng, khu vực

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thực hiện quan điểm “chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng," quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực. Quan hệ Việt Nam-Campuchia được tăng cường trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được củng cố, phát triển lành mạnh, ổn định.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Lào đã được tôi luyện, thử thách và không ngừng đơm hoa kết trái, trở thành mối quan hệ “hữu nghị vĩ đại” của hai dân tộc. Trong cuộc điện đàm mới đây, nhân chúc mừng thành công Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith cùng khẳng định việc không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, coi đây là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai bên cũng sẽ làm hết sức mình cùng nhau bảo vệ, giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và truyền tiếp cho thế hệ mai sau.

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân được mở rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước. Năm 2020, nhờ sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ hai nước, nhiều dự án hợp tác trọng điểm giữa Việt Nam và Lào đã có những bước tiến căn bản như cảng Vũng Áng, sân bay Noong-khang, các dự án kết nối đường bộ, đường sắt và đặc biệt là công trình Nhà Quốc hội Lào...

Với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài,” trong năm năm qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Campuchia không ngừng được củng cố. Chuỗi hoạt động kỷ niệm chung 40 năm ngày hai dân tộc sát cánh bên nhau chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và Tổng kết về công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền, ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả (84%) công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước, là hai điểm nhấn quan trọng trên chặng đường phát triển của mối quan hệ hợp tác “không thể tách rời” Việt Nam-Campuchia.

Vai tro, vi the Viet Nam: Dua cac quan he hop tac di vao chieu sau hinh anh 2

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (bên phải) trao biểu trưng thiết bị y tế cho Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã hỗ trợ các trang thiết bị y tế nhằm chia sẻ những khó khăn của Campuchia, đồng thời tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế đa phương, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt hơn 5 tỷ USD, vượt mục tiêu 5 tỷ USD dự kiến cho năm 2020.

Nói về mối quan hệ Việt Nam-Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “Việt Nam mãi mãi là người bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một của Campuchia;" còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ mong muốn “Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững."

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính. Năm năm qua, hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt kết quả tốt, góp phần tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Hai bên đã có những hợp tác thực chất, tăng cường trao đổi các cấp và giao lưu nhân dân hai nước, củng cố lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương; giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là vấn đề trên biển, theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước. Hai nước đã kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn tăng trưởng dương. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc tại Việt Nam có bước tăng trưởng lớn, hiện đứng thứ bảy trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc năm 2019 đạt xấp xỉ 117 tỷ USD, tăng gấp hơn 3.600 lần so với năm 1991; từ tháng 1-11.2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt hơn 117 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 43 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc gần 74 tỷ USD.

Trong điện mừng trao đổi giữa các nhà Lãnh đạo, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18.1.1950-18.1.2020), Lãnh đạo Việt Nam khẳng định: “Chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng, Nhà nước Việt Nam là hết sức coi trọng, sẵn sàng làm hết sức mình và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến đổi sâu sắc, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ Việt-Trung ngày càng tốt đẹp là trách nhiệm lịch sử và là đòi hỏi tất yếu khách quan, phù hợp với nguyện vọng của hai Đảng và nhân dân hai nước."

Các nhà Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang đối mặt với đổi thay lớn chưa từng có và quan hệ Trung-Việt cũng bước sang thời kỳ then chốt kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, Trung Quốc coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ Trung-Việt, mong muốn nỗ lực cùng Việt Nam nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn của quan hệ Trung-Việt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt không ngừng bước lên nấc thang mới."

Việc thắt chặt quan hệ với các nước thành viên ASEAN là một trọng tâm ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đến nay, bên cạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào, các nước ASEAN còn lại đều đã trở thành những đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác hợp tác toàn diện với Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Myanmar lên đối tác hợp tác toàn diện (2017); quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với Thái Lan (tháng 1.2019); quan hệ đối tác toàn diện với Brunei (tháng 3.2019). Với khuôn khổ quan hệ đã được thiết lập, các lĩnh vực hợp tác then chốt giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đến văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN đạt gần 25 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2018 và 30% so với năm 2016. Riêng tháng 10.2020 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt gần 19 tỷ USD, giảm hơn 11% và nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt trên 24 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các nước ASEAN là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc) là thị trường cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ ba vào Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN phát triển ngày càng sâu rộng và toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á.

Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng

Thực hiện chủ trương “thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác lớn, đối tác quan trọng," hoạt động đối ngoại đã “tích cực và chủ động” đưa các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước (ba nước là đối tác chiến lược toàn diện Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008)) và 14 nước đối tác chiến lược gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức, Italy (2011); Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp (2013); Malaysia, Philippines (2015); Australia (2018); New Zealand (2020); có quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã có các bước tiến đáng kể trong việc nâng cao độ tin cậy chính trị, củng cố các cơ chế hợp tác cùng có lợi.

Vai tro, vi the Viet Nam: Dua cac quan he hop tac di vao chieu sau hinh anh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo trên đường Xoài - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong nhiệm kỳ qua, các nhà lãnh đạo của Việt Nam thực hiện hơn 80 chuyến thăm cấp cao, dự các hội nghị quốc tế đa phương và đón hơn 120 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2020, do đại dịch COVID-19, không thực hiện chuyến thăm cấp cao nhưng Việt Nam và các đối tác tăng cường trao đổi qua điện đàm, họp trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao các nước. Trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác với lãnh đạo nhiều nước đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Những chuyến thăm, những cuộc tiếp xúc này góp phần tăng cường quan hệ chính trị, mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế cho đất nước, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển năng động.

Nhiều đối tác lớn, đối tác quan trọng đã đánh giá cao và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam. Một số nước đối tác quan trọng có những bước đi chưa từng có tiền lệ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thăm Việt Nam ngay sau Đại hội XIX, lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước thăm nhau trong cùng một năm (2017). Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và đón Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền, là Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên trở lại thăm Việt Nam trong vòng chưa đầy hai năm. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên thăm Việt Nam. Ấn Độ, Liên Minh châu Âu (EU), Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong “Chính sách hướng Nam mới,"“Kết nối với châu Á”...

Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien trong phát biểu với sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã khẳng định Hoa Kỳ coi trọng, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam ổn định và bền vững trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên Việt Nam-Australia lần thứ hai, tháng 11/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nêu rõ Chính phủ Australia tiếp tục đặt ưu tiên cao với Việt Nam trong chính sách đối ngoại, coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm Việt Nam, nước đầu tiên được lựa chọn để thực hiện chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định, quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam thể hiện qua việc chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức và phát biểu về chính sách với ASEAN, đồng thời nêu rõ Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội.

Tại cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật (tháng 11/2020), Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko khẳng định hai nước đang có chung tầm nhìn về phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; cho rằng Việt Nam và Liên bang Nga có rất nhiều điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ…

Cục diện hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước được củng cố thêm một bước, đặc biệt là với các nước láng giềng khu vực và các đối tác lớn, quan trọng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Vai trò, vị thế Việt Nam: Đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu