Vài nét về báo chí Hải Dương trước khi báo Hải Dương mới ra đời

30/11/2011 13:26

Tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời ở Hải Dương là tờ Công Nông, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết, in và phát hành tháng 7-1933.


Nội san Quyết thắng, tin Hải Dương, những tờ tiền thân của báo Hải Dương mới


Tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời ở Hải Dương là tờ Công Nông, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bí danh Sao Đỏ, một nhà hoạt động cách mạng rất nổi tiếng quê xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (sau này là Phó Chủ tịch nước) viết, in và phát hành tháng 7-1933. Báo Công Nông được làm tại Ấp Dọn, xã Thái Dương (Bình Giang). Báo Công Nông với những bài ngắn gọn, dễ hiểu, có các thể loại: xã luận, kể chuyện, thơ ca... được in trên thạch trong khuôn chiếc nắp tráp cũ, khổ 18 x 25 cm, xuất bản 20 bản mỗi kỳ. Báo in xong là tán phát đi ngay. Không chỉ ở Hải Dương, báo còn được chuyển tới các địa bàn khác ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên... Tờ báo truyền bá tinh thần yêu nước, kêu gọi quần chúng đứng lên làm cách mạng, cũng là để liên hệ với tổ chức của Đảng; nêu lên nỗi thống khổ, vạch trần tội ác của bọn thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến. Cuối năm 1933, thực dân Pháp khủng bố ráo riết, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị địch bắt, báo Công Nông ngừng hoạt động.

Tuy chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng báo Công Nông đã ghi một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho báo chí cách mạng Hải Dương. Tên tuổi đồng chí Nguyễn Lương Bằng mãi mãi gắn bó với sự nghiệp báo chí cách mạng Hải Dương.

Đầu năm 1946, nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị cấp bách đang đặt ra, Đảng bộ tỉnh Hải Dương quyết định ra tuần san lấy tên là Hải Dương, mỗi kỳ phát hành 500 bản. Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến ngày càng quyết liệt, Tỉnh bộ Việt Minh Hải Dương cần có một cơ quan tuyên truyền kháng chiến. Vì vậy, đầu năm 1947, báo Khói lửa được xuất bản. Tờ báo được in ấn bằng cách vẽ ngược chữ và hình lên đá nhẵn, sau đó in lên giấy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Tính đã viết nhiều bài, sáng tác cả thơ đăng trên báo Khói lửa, sử dụng tờ báo làm công cụ chỉ đạo. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo Khói lửa và gửi thư khen.

Sau đó, do đòi hỏi của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ và nhân dân, Đảng bộ tỉnh Hải Dương quyết định xuất bản tờ nội san Quyết thắng để cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

Ngoài các tờ báo nói trên, còn có tờ Tiếng gọi của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, tờ nội san Tin tưởng của Ty Thông tin, tờ Thanh niên của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hải Dương, tờ Xung phong của thiếu nhi huyện Ninh Giang.

Khoảng năm 1952, Ty Tuyên truyền văn nghệ Hải Dương xuất bản tờ Tin Hải Dương, phát hành hằng tuần. Thời gian đầu tờ Tin Hải Dương có kích thước nhỏ hơn khổ giấy A4.

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chính thức lập lại hòa bình trên miền Bắc, sự  nghiệp cách mạng bước sang một giai đoạn mới: vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tờ tin Hải Dương, cơ quan thông tin tỉnh của Hải Dương, ra khổ lớn hơn. Tin Hải Dương truyền đạt các chủ trương công tác của tỉnh, đồng thời phản ánh mọi mặt hoạt động của nhân dân, đặc biệt là công cuộc khôi phục sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy thắng lợi của cải cách ruộng đất, động viên nông dân từng bước xây dựng tổ đổi công, tiến tới làm ăn tập thể, tự túc lương thực... Năm 1958, tin Hải Dương ra mỗi tuần 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu, in ti-pô, 2 trang, khổ 26 x 37 cm. Tờ tin Hải Dương cuối cùng ra ngày 14-11-1961. Tin Hải Dương đã xuất bản cả thảy 665 kỳ.

Thực chất, tin Hải Dương đã làm nhiệm vụ của một tờ báo địa phương, là một sự chuẩn bị tích cực về mọi mặt cho tờ báo chính thức của Đảng bộ tỉnh - báo Hải Dương mới ra đời ngày 1-12-1961.

(0) Bình luận
Vài nét về báo chí Hải Dương trước khi báo Hải Dương mới ra đời