Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc bảo đảm nguồn cung cấp máu bị ảnh hưởng và càng gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ thiếu trầm trọng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ngày 13.4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động trực tuyến hưởng ứng Thư kêu gọi toàn dân hiến máu tình nguyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh năm 2020 là tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 7.4 hàng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7.4.2000-7.4.2020).
Từ đó, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào rộng khắp, thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mạng lưới vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo được thành lập ở 100% các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã và ở 85% số xã, phường, thị trấn trong cả nước; từ năm 2000 đến nay đã vận động, tiếp nhận được trên 16 triệu đơn vị máu.
Năm 2019, số đơn vị được tiếp nhận gấp 4,7 lần so với năm 2000, tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tăng gấp 5 lần.
Với thông điệp “Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, đã có nhiều sự kiện tạo dấu ấn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước như “Lễ hội xuân hồng,” “Những giọt máu hồng hè,” “Hành trình đỏ,” “Chủ nhật đỏ”...
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, hiện nay, nguồn máu cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu, lực lượng hiến máu còn khiêm tốn, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại còn thấp.
Tình trạng thiếu nguồn hiến máu còn phổ biến trong dịp học sinh, sinh viên nghỉ hè, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là khi dịch bệnh, thiên tai, tai nạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Đặc biệt, thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc bảo đảm nguồn cung cấp máu bị ảnh hưởng và càng gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ thiếu trầm trọng trên phạm vi cả nước; đặt ra yêu cầu, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân để góp phần giải quyết tình trạng trên.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Thư gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.
Trong thư nêu rõ: “Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình. Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.”
Để hưởng ứng, tích cực thực hiện Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước theo Kế hoạch số 18 ngày 20.3 của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức về ý nghĩa của việc hiến máu, tạo chuyển biến từ nhận thức thành hành động; phát huy tính nêu gương để đăng ký hiến máu và ủng hộ các hoạt động hiến máu tình nguyện, tạo nét đẹp văn hóa, nhân văn trong xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia hiến máu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bên cạnh đó, vai trò của Ban công tác Mặt trận ở các địa bàn dân cư, của các tổ chức thành viên cần được phát huy nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên tham gia hiến máu, "từ miền núi đến đồng bằng, từ cán bộ công chức đến lực lượng vũ trang, công nhân tại các khu công nghiệp, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, lực lượng nòng cốt của phong trào,” đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Đồng thời, MTTQ các cấp phối hợp với ngành y tế thực hiện hiệu quả tối đa công tác tiếp nhận, cung cấp máu, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay; bảo đảm an toàn cho người hiến máu, người nhận máu và nhân viên y tế.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị cần có các hình thức biểu dương, tôn vinh, ghi nhận những người đã tình nguyện hiến máu, hiến máu nhiều lần, hiến máu khẩn cấp, những người vừa hiến máu vừa vận động người khác cùng hiến máu, tạo động lực, niềm tin và sự phấn khởi cho người hiến máu.
Theo đó, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp và các cơ quan truyền thông để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu và nhân rộng các gương điển hình, các mô hình tổ chức hiến máu tình nguyện hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Thay mặt những người thầy thuốc - lực lượng trực tiếp điều trị và hiểu rõ sự cần thiết của việc hiến máu tình nguyện, ông Trần Văn Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước hoạt động hưởng ứng của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng thời khẳng định, với trách nhiệm của mình, thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hiến máu và vận động toàn dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực tham gia hiến máu.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, công chức cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tham gia hiến máu tình nguyện tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức hiến máu tình nguyện với sự tham gia của 50 người.
Cũng trong ngày, Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia hiến máu, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội, sẻ chia sự sống với nhân dân, đồng bào trong cơn bệnh tật hiểm nghèo.
Lần hiến máu này đóng góp 31 đơn vị máu, 80% trong số đó có dung lượng từ 350ml trở lên.
Đây là hành động hết sức thiết thực, đầy ý nghĩa nhân văn trong bối cảnh nguồn máu dự trữ đang giảm mạnh và có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19.
Theo TTXVN