Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Thủ Đức

09/12/2020 16:00

Chiều 9.12, với đa số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về "sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh".


TP Thủ Đức là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên của Việt Nam

Chiều cùng ngày, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết thành lập TP Thủ Đức.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như: cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1K, quốc lộ 52...

"Năm 2019, cả 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2016 - 2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỉ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỉ đồng", đồng chí Lê Vĩnh Tân cho biết.

Chính phủ cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; cần tập trung quản lý nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận, tạo điều kiện để kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Chính phủ khẳng định với việc thành lập TP Thủ Đức, "TP Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế".

Với đa số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về "sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh".

Nghị quyết nêu rõ: "Thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người".

Nghị quyết cũng sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức như nhập phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm; lập phường An Khánh (mới) trên cơ sở sáp nhập phường Bình Khánh và phường Bình An.

"Giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh", nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã một số cơ sở tại quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận.

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2021, nghị quyết giao Chính phủ, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.


Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong

Thành phố sáng tạo Thủ Đức có thể đóng góp 7% GDP cả nước

Trình bày tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương luôn quan tâm đến sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Ông khẳng định quá trình xây dựng đề án thành lập TP Thủ Đức, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã được tiến hành rất kỹ, lấy ý kiến của nhiều nhà khoa học, lão thành cách mạng, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng tình của đa số người dân.

"TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Nguyễn Thành Phong nói, đồng thời cho biết sau khi thành lập, với mục tiêu trở thành một thành phố sáng tạo, TP Thủ Đức có thể đóng góp tới 7% GDP cả nước.

Tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong phạm vi thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh, UBND TP sẽ phân quyền cao nhất có thể cho chính quyền TP Thủ Đức.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Thủ Đức