Trước mắt, tập trung thực hiện đối với một số ngành nghề thâm dụng lao động và bị tác động nặng nề do dịch bệnh (dệt may, da giày, lắp ráp, chế biến).
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết 5 tháng đầu năm, ngành giáo dục nghề nghiệp đã tích cực đổi mới công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.
Kết quả, đã tuyển sinh được 29.369 người, bằng 5% kế hoạch năm 2021. Trong đó, cao đẳng là 11.213 người, trung cấp 18.156 người. Một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh tốt như: Máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch… Cả nước cũng đã tuyển sinh, đào tạo cho hơn 200.000 người trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, đạt 16,9% kế hoạch năm, bằng 65,2% cùng kỳ năm 2020, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 12.500 người.
Trước tác động của dịch bệnh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã kịp thời tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị phê duyệt kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí năm 2021 cho việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, đề xuất sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ các đối tượng tham gia các khóa đào tạo nghề để chuyển nghề, chống thất nghiệp. Trước mắt, tập trung thực hiện đối với một số ngành nghề thâm dụng lao động và bị tác động nặng nề do dịch bệnh (dệt may, da giày, lắp ráp, chế biến).
Theo Người lao động