Liên là một cô bé vốn rất mơ mộng. Nó thường chống cằm đưa đôi mắt mơ màng nhìn qua khung cửa sổ lớp học chỉ để ngắm nhìn lũ bạn đang nô đùa dưới tán của những cây bằng lăng đang nghiêng mình trìu mến. Đôi mắt to, tròn của nó nhìn khắp sân trường một lượt rồi ngẫm nghĩ. Trong cuộc sống này ai mà chẳng có một ước mơ. Và nó cũng vậy, ước mơ của nó là làm một cô giáo dạy văn. Nó muốn gửi gắm vào những thế hệ học trò biết bao đam mê, trân trọng những giá trị của cuộc sống. Nếu con người đã và đang ước mơ thì hãy cố gắng vươn tới bằng tất cả khả năng của chính bản thân mình. Đã có niềm đam mê và quyết tâm thực hiện thì nhất định con người ta sẽ đạt được ước mơ đó. Đến đây nó thoáng thấy lòng xao động. Nó cúi mặt xuống. Nhìn thấy đôi bàn chân còn lành lặn cả nhưng không thể cử động được, nó chỉ muốn bật khóc: “ Giá như mình có thể chạy nhảy ngoài sân trường. Giá như mình có thể mặc một chiếc áo dài thêu những cánh hoa nhỏ li ti nơi vạt áo đứng trên bục giảng và say sưa giảng bài…”
“ Tùng! Tùng! Tùng!” - Tiếng trống trường làm cắt đứt mạch suy nghĩ của nó. Cô giáo bước vào lớp, mái tóc dài của cô buông xõa, tà áo dài bay bay trong gió càng làm cho dáng điệu của cô thêm khoan thai, thướt tha như những nàng tiên trong truyện cổ tích nó vẫn thường đọc. Trên tay cô có lẽ đang cầm một bài kiểm tra thì phải. À, có lẽ đó là bài kiểm tra văn tuần trước mà cả lớp đã làm. Nó bỗng thấy hồi hộp đến lạ.
Đây không phải là bài kiểm tra đầu tiên trong cuộc đời mà nó cứ đến giờ trả bài kiểm tra văn là nó đều thấy hồi hộp. Nhưng có lẽ ngày hôm nay cảm giác còn đặc biệt hơn. Chắc bởi đề văn hôm trước cô giao cho cả lớp hay quá: “Em hãy viết thư gửi đến lớp học hoặc thầy, cô giáo về ước mơ của mình”. Nhiều đứa bạn than chẳng bao giờ viết thư cho ai cả mà cô giáo lại cho đề văn “xương” quá. Riêng nó đọc qua đề một lượt và bắt đầu ngẫm nghĩ. Nó sẽ viết những gì nó đã từng ấp ủ về hai tiếng gọi là “ước mơ”…
- Một lần nữa cô xin nhắc lại bài văn đạt điểm 9 lần này là của bạn Hồng Liên.
Cả lớp quay xuống nhìn nó. Và cả cô giáo cũng nhìn nó, ánh mắt thân thương quá. Nó bỗng giật mình, mím chặt môi.
- Cô nghĩ đây là một bài văn cả lớp ta nên lắng nghe để những ai chưa có ước mơ hãy cứ ước mơ, những ai chưa có quyết tâm thực hiện ước mơ hãy suy nghĩ và củng cố thêm niềm tin của chính mình.
Cô giáo ngập ngừng một lát: “ Sau đây cô xin đọc những dòng tâm sự của bạn Hồng Liên”.
"Gửi lớp học thân thương đồng kính gửi cô giáo chủ nhiệm mà em yêu quý!
Ngày nào cũng đến lớp, đó là niềm hạnh phúc của em. Em biết mình là một học sinh không bình thường như những bạn khác. Vâng, em sẽ không né tránh chính bản thân mình: em là một đứa trẻ tàn tật.
Được sống trong một ngôi nhà lớn, không em phải gọi là một gia đình lớn trong trại trẻ mồ côi, em đã mong muốn được đi học. Em khao khát lắm, ngày nào em cũng vẽ. Chưa được đến trường bao giờ, em vẽ theo trí tưởng tượng. Trường học chắc phải to lắm vì có rất nhiều người đến trường cơ mà. Em vẽ mái trường có mái ngói đỏ tươi, cả toà nhà em khoác lên áo nó chiếc áo màu vàng rạng rỡ. Tất cả đều hài hoà, xen kẽ là những lùm cây xum xuê, um tùm. Lấp ló sau những tán cây là đám bạn cứ túm năm tụm bảy chơi đùa trong nắng mới… Bức tranh của em là những gì em mong chờ ở tương lai”.
Rồi cô bước đến nhẹ nhàng, thướt tha trong một buổi chiều muộn. Cô cúi xuống nhìn vào bức tranh của em. Có lẽ em vẫn không thể nào quên được ánh mắt ấy. Ánh mắt ấm áp đến lạ lùng. Cô nhìn bức tranh của em một hồi rồi nói: “ Em có muốn được đến trường, đi học không?”. Trong lòng em như muốn vỡ vụn ra trong phút chốc. Em sung sướng quá. Không thể diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó. Muốn khóc mặc dù bấy lâu nay em luôn mím chặt môi, nín khóc trước mọi nỗi đau. Và giờ đây em khóc không phải vì nỗi buồn nữa mà có lẽ đó là hạnh phúc kể từ khi em bước vào trại trẻ mồ côi.
Bước vào một thế giới khác, nhộn nhịp, náo nhiệt, cả sự ganh đua nhau trong học tập nữa chứ, em được đến trường. Em biết cả lớp mình ai cũng cố gắng giúp đỡ em bằng mọi cách. Tất nhiên, em đều vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ của mọi người từ mọi phía. Có thể, cả lớp ta sẽ thắc mắc tự hỏi rằng: “Tại sao Liên không biết mặc cảm nhỉ?”. Các bạn ơi! Khi bước vào trường học, mình đã phải cố nén lòng lại và tự nhủ mình sẽ không được tủi thân và không làm ảnh hưởng đến mọi người. Bởi vì từ sâu trong tâm thức mình, được đi học đã là một ước mơ.
Và đó chỉ là một ước mơ của mình mà thôi. Nó xuất hiện như một phép màu. Cô giáo đã là người đem lại phép màu đó…".
Cô giáo ngừng đọc, liếc tìm khuôn mặt của nó. Cô chợt thấy nó khóc. Đây là lần thứ hai nó khóc kể từ khi nó được đi học.
NGUYỄN THỊ TRÀ MY(phố Tuệ Tĩnh, TP Hải Dương)