Ứng phó dịch Covid-19: Công đoàn chăm lo người lao động

15/05/2020 13:22

Tháng Công nhân năm nay diễn ra giữa lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm của người lao động (NLĐ). Các cấp công đoàn trong tỉnh đã có những thay đổi phù hợp để chăm lo tốt hơn cho NLĐ.

Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Nam Sách động viên, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Công ty TNHH Yến Thanh

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Tháng Công nhân năm nay được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chọn chủ đề: "Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt". Đến cuối tháng 4, trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định bổ sung thêm chủ đề: "Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định". Cụ thể hóa tinh thần này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chủ động phối hợp xây dựng phương án duy trì việc làm cho công nhân. Nâng cao vai trò giám sát của công đoàn khi chủ doanh nghiệp cắt giảm lao động. Ở những doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, công đoàn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động giới thiệu việc làm, tìm cách hỗ trợ NLĐ. 

Ở Hải Dương không chỉ Tháng Công nhân mà trong suốt thời gian chịu tác động của dịch Covid-19, các cấp công đoàn đã kịp thời tham mưu nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp vượt khó. Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết ở nhiều nơi công đoàn giống như cánh tay nối dài đã chủ động tham mưu với lãnh đạo công ty phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như Công đoàn cơ sở các Công ty TNHH: một thành viên Massan HD, Giầy Continuance Việt Nam, Huyndai Kefico Việt Nam...  

Đặc biệt ngày 7.4, ngay sau khi nhận thông tin có khoảng 1.800 NLĐ quê ở Hải Phòng và một số ít của Thái Bình không sang các doanh nghiệp tại huyện Tứ Kỳ làm việc được, LĐLĐ huyện Tứ Kỳ đã khẩn trương tham mưu UBND huyện giải quyết. Theo đề nghị của LĐLĐ huyện, trong ngày 7.4, UBND huyện Tứ Kỳ đã có công văn gửi các cơ quan chức năng của Hải Phòng. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tứ Kỳ cho biết trước khi Hải Phòng đưa ra biện pháp hỗ trợ, công đoàn cơ sở đã tham mưu với một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho NLĐ ở lại trong các khu nhà tập thể hoặc thuê trọ. Sau đó, Hải Phòng nới lỏng một số quy định phòng chống dịch nên số công nhân trên có thể đi lại và không bị ảnh hưởng nhiều đến việc làm.

Trước khó khăn, vai trò của công đoàn đối với NLĐ và doanh nghiệp càng trở nên ý nghĩa. Những ngày đầu Tháng Công nhân này, công đoàn cấp trên cơ sở đã đến động viên các doanh nghiệp, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như Công đoàn ngành công thương, LĐLĐ thị xã Kinh Môn, LĐLĐ huyện Ninh Giang... Điều này tạo ấn tượng tốt, được chủ doanh nghiệp đánh giá cao.

Sẻ chia với công nhân khó khăn

Dịch bệnh tác động đến sản xuất của doanh nghiệp khiến nhiều NLĐ mất việc làm hoặc chỉ làm việc cầm chừng. Thu nhập của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực sẻ chia với những công nhân khó khăn.

Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Sees Vina ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đã không tránh khỏi tác động xấu của dịch Covid-19. Dù không muốn, công ty buộc phải cho 575 NLĐ nghỉ việc vào đầu tháng5 này. Anh Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết Ban Chấp hành công đoàn đã tham mưu, phối hợp với Ban lãnh đạo công ty tìm cách hỗ trợ số công nhân trên. Công đoàn bỏ ra 200 triệu đồng, công ty chi 200 triệu đồng, cán bộ công ty từ tổ phó trở lên quyên góp được hơn 220 triệu đồng. Số tiền này để hỗ trợ NLĐ nghỉ việc với mức từ 500.000-1.600.000 đồng/người (căn cứ vào các nhóm NLĐ khác nhau về thời gian hợp đồng lao động). "Đây là nỗ lực của công đoàn cơ sở nhằm sẻ chia khó khăn với NLĐ. Nếu sau này công ty khôi phục sản xuất, công đoàn cũng sẽ tham mưu để nhận lại NLĐ có nguyện vọng vào làm việc", anh Thịnh nói.

Là địa bàn không có nhiều doanh nghiệp nhưng LĐLĐ huyện Ninh Giang vẫn sát sao theo dõi khó khăn của NLĐ. Mới đây, cán bộ LĐLĐ đã đến thăm hỏi, động viên một số NLĐ có hoàn cảnh khó khăn mất việc làm, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhận món quà cán bộ LĐLĐ huyện trao tại nhà, chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Ninh Hải (Ninh Giang) xúc động cho biết chị phải nghỉ việc từ tháng 3 đến nay. Không có việc, không còn thu nhập, cuộc sống của 3 mẹ con khó khăn bội phần. Sự quan tâm của công đoàn giúp chị vơi bớt nỗi buồn, thắp lên niềm hy vọng được hỗ trợ công việc vào thời gian tới để bảo đảm cuộc sống.

Công việc bị ảnh hưởng khiến những công nhân xa quê ở trọ khó khăn hơn. LĐLĐ tỉnh đã khảo sát số công nhân thuộc nhóm này để có kế hoạch hỗ trợ thiết thực. Dưới sự vận động của các cấp công đoàn, đã có 114 chủ nhà trọ cam kết giảm giá thuê phòng với mức từ 25-30% trong vòng 3 tháng (từ tháng 4-6) cho công nhân ở trọ. Mong rằng với sự quan tâm của các cấp công đoàn, chính quyền, các ngành tạo điều kiện hơn, doanh nghiệp và NLĐ sớm ổn định sản xuất, cuộc sống.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó dịch Covid-19: Công đoàn chăm lo người lao động