Từ nhiều năm nay, an toàn giao thông (ATGT) cho trẻ em luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm.
Thế nhưng đa số các em chưa ý thức được hết sự nguy hiểm khi tham gia giao thông, chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình trước hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT). Ngoài ra, do thể lực còn yếu ớt, kỹ năng tham gia giao thông, khả năng quan sát, phán đoán, xử lý tình huống còn hạn chế nên các em càng dễ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần nếu bị TNGT.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT mà nạn nhân là trẻ em. Về chủ quan, do nhận thức của trẻ em còn chưa đầy đủ. Các em dễ bị chúng bạn lôi kéo tham gia vào các trò chơi ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra TNGT; nhiều trẻ dắt nhau băng ngang đường, đi xe máy điện, xe đạp điện dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao... Nhưng TNGT xảy ra với trẻ em còn có nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ người lớn. Không hiếm để bắt gặp hình ảnh cha mẹ chở con em nhưng không đội mũ bảo hiểm, hoặc chỉ đội mũ cho mình để đối phó với cảnh sát giao thông mà không đội cho con nhỏ. Nhiều phụ huynh chở theo con nhưng sẵn sàng vượt đèn vàng, đèn đỏ, đi ngược chiều đường... Trong khi đó, nhà trường - nơi chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ em phần lớn thời gian trong ngày lại chưa quan tâm dạy dỗ về pháp luật giao thông. Những đứa trẻ chưa được quan tâm giáo dục các quy định của giao thông, hằng ngày chứng kiến người lớn vi phạm thì về lâu dài dễ hình thành thói quen vi phạm, thậm chí coi thường pháp luật giao thông.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi năm trên thế giới có hơn 186.300 trẻ em tử vong do TNGT (tương ứng hơn 500 trẻ em mỗi ngày). TNGT đứng thứ tư trong số những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ từ 14 - 17 tuổi. Còn theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), ở Việt Nam cứ 100.000 trẻ em thì có 20 trẻ tử vong do TNGT, gấp gần 3 lần so với các nước trong khu vực. Mỗi năm, bình quân Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì hiểm họa này.
Người trưởng thành khi bị TNGT đã phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề, đối với trẻ em hậu quả ấy còn nặng nề, dai dẳng hơn. Nhiều cháu tử vong khi tuổi còn quá nhỏ, nhiều cháu khác mang theo di chứng của TNGT suốt phần đời còn lại. Nhiều gia đình mang nỗi đau tinh thần quá lớn và dai dẳng khi có con em là nạn nhân TNGT.
Người lớn cần xem lại bản thân đã làm gì để bảo vệ trẻ em trước hiểm họa TNGT đang hằng ngày, hằng giờ rình rập. Trước tiên, tự mỗi người phải gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông, đừng làm "gương mờ" cho trẻ soi vào. Nhà trường và gia đình cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc hướng dẫn, giáo dục con em chấp hành các quy định về giao thông. Mỗi người trưởng thành cần tham gia giao thông có trách nhiệm để bảo vệ trẻ em cũng như sự an toàn cho chính bản thân mình.
CẨM GIANG (TP Hải Dương)