Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truyền máu

13/08/2011 07:42

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại với nguyên tắc "cần gì truyền nấy" đã góp phần tiết kiệm được nguồn máu trong điều trị, đem lại hiệu quả cao...



Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên sử dụng các chế phẩm máu
đã được tách để điều trị cho người bệnh. Ảnh: Thành Chung


Truyền máu là biện pháp điều trị tích cực nhằm bù đắp lại một hay nhiều thành phần máu cho người bệnh. Nếu không được bù đắp kịp thời, sự thiếu hụt này sẽ gây nguy hiểm hoặc đe doạ đến tính mạng con người. Hiện nay, việc truyền máu vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong lúc nguồn máu đang thiếu trầm trọng thì việc sử dụng máu toàn phần truyền cho người bệnh đã gây lãng phí lớn, thậm chí gây tác hại cho người bệnh. Trước thực tế đó, các thầy thuốc tại Khoa Huyết học - truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến tách một số sản phẩm máu. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại với nguyên tắc "cần gì truyền nấy" đã góp phần tiết kiệm được nguồn máu trong điều trị, đem lại hiệu quả cao...

Bác sĩ Đoàn Văn Hoan, Trưởng Khoa Huyết học - truyền máu, chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài được thực hiện trong 2 năm (2007 - 2008), đã được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Từ thành công trong ứng dụng công nghệ tiên tiến để tách một số thành phần máu, phục vụ điều trị cho từng đối tượng người bệnh, đến nay, các kết quả nghiên cứu vẫn đang được ứng dụng triển khai, góp phần quan trọng trong việc truyền máu, điều trị cho bệnh nhân. Ban chủ nhiệm đề tài đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Viện Huyết học Trung ương, Sở Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong việc đầu tư máy móc thiết bị công nghệ phục vụ việc ứng dụng kỹ thuật ly tâm phân lớp để tách chiết một số chế phẩm máu thông dụng gồm khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương tươi và tủa yếu tố VIII đạt tiêu chuẩn sử dụng cho người bệnh.  2 năm qua, đề tài đã thí điểm tách chiết 100 đơn vị máu toàn phần, thu được 100 đơn vị khối hồng cầu, 50 đơn vị huyết tương tươi, 25 đơn vị khối tiểu cầu, 12 đơn vị tủa yếu tố VIII. Qua phân tích, kiểm định của Viện Huyết học Trung ương cho thấy, các chỉ số về chất lượng của chế phẩm máu sau khi tách được đều đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, các chế phẩm máu này đã được điều trị thành công cho 175 lượt người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện nay, công nghệ tách máu đang được ứng dụng rộng rãi trong truyền máu ở bệnh viện này và nhiều bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Mỗi năm, Khoa Huyết học - truyền máu đã thực hiện tách chiết hàng trăm đơn vị máu toàn phần, có hàng nghìn lượt bệnh nhân được sử dụng chế phẩm máu thông qua công nghệ tách lọc.

Thạc sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước đây, một đơn vị  máu toàn phần chỉ sử dụng cho một người. Nay nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tách máu, một đơn vị máu đó có thể sử dụng cho nhiều người bệnh có nhu cầu khác nhau tránh được sự lãng phí một số thành phần máu mà người bệnh phải nhận bắt buộc khi cơ thể họ không có nhu cầu. Từ một đơn vị máu toàn phần sau khi tách được 4 loại chế phẩm, sẽ góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh do không phải lên bệnh viện tuyến trên điều trị bằng công nghệ lọc máu. Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc vẫn thường xuyên sử dụng các chế phẩm máu đã được tách do Khoa Huyết học - truyền máu cung cấp để điều trị cho người bệnh. Thông qua việc chẩn đoán, chúng tôi đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân cũng như căn cứ nhu cầu người bệnh cần thành phần gì trong máu để chỉ định truyền chế phẩm phù hợp.

Đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học tách một số chế phẩm máu được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thành công của đề tài đã được ghi nhận bằng giải thưởng Côn Sơn lần thứ III.

H.V

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truyền máu