Làm thế nào để Ukraine thanh toán khoản chi phí khổng lồ cho cuộc xung đột với Nga? Là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Theo tờ The Guardian, dưới đây là những câu hỏi chính trong cuộc chiến kinh tế của Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga.
Nguồn tiền của Ukraine tới từ đâu?
Người dân xếp hàng tại một chi nhánh ngân hàng ở Kherson, miền nam Ukraine, ngày 21.11
Trong những ngày đầu tiên diễn ra cuộc xung đột với Nga, Chính phủ Ukraine đã nhờ nước ngoài hỗ trợ và các khoản viện trợ thường đến không đều đặn. Khi không có đủ tiền, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã mua trái phiếu chính phủ bằng tiền mới in. Giải pháp thay thế sẽ là ngừng trả lương hưu và lương cho nhân viên nhà nước.
Các nhà kinh tế cho rằng việc in tiền mặc dù rất cần thiết khi đó nhưng có nguy cơ khiến lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và làm giảm giá trị đồng tiền của Ukraine nếu tiếp tục.
Ổn định về giá cả và khả năng chi trả lương hưu có tác động to lớn đến người dân bình thường và xã hội vào thời điểm Nga đang tấn công các cơ sở hạ tầng điện, nước trước mùa đông.
Với lạm phát đã ở mức 27%, giá cả tăng cao đã khiến những người có thu nhập thấp khó có thể mua được thực phẩm.
Ukraine cần bao nhiêu tiền?
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine cần 38 tỷ USD viện trợ từ các đồng minh phương Tây như Mỹ và 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), cộng thêm 17 tỷ USD cho quỹ tái thiết khắc phục hậu quả xung đột.
Các nhà kinh tế cho rằng, tổng cộng 50 tỷ USD từ các nhà tài trợ sẽ đủ để giúp Ukraine vượt qua cả năm.
Chi tiêu quốc phòng cao gấp 6 lần trong ngân sách năm 2023 so với năm ngoái vừa được Quốc hội Ukraine thông qua. Chi tiêu quân sự và an ninh sẽ chiếm tổng cộng 43% ngân sách, tương đương 18,2% sản lượng kinh tế hàng năm.
Ngân sách 2,6 nghìn tỷ hryvnia đã bị thâm hụt 1,3 nghìn tỷ hryvnia, có nghĩa là chính phủ cần tìm 3 tỷ đến 5 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp. Kể từ khi ngân sách được thông qua, các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ chỉ làm tăng nhu cầu tài chính, vì quá trình sửa chữa lại không thể chờ tái thiết sau chiến tranh và sẽ ảnh hưởng đến ngân sách năm nay.
Vấn đề tài chính có thể ảnh hưởng tới kết quả xung đột thế nào?
Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn phát triển tốt hơn Ukraine vì giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cao đã hỗ trợ ngân sách của Điện Kremlin.
EU và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt giá trần đối với dầu Nga nhằm thay đổi điều đó.
Các nhà kinh tế nhận định rằng vào giữa năm 2023, tình hình kinh tế sẽ chuyển biến mạnh mẽ theo hướng có lợi cho Ukraine, khiến cho sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn từ nay cho đến thời điểm đó.
Ukraine đã nhận được bao nhiêu tiền?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (giữa) tại sự kiện tài trợ cho Ukraine ở Warsaw, Ba Lan ngày 9.4
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, đến ngày 3.10, Mỹ là nhà tài trợ hàng đầu, hỗ trợ tài chính cho Ukraine 15,2 tỷ USD và 52 tỷ USD tiền viện trợ chung, gồm cả hỗ trợ nhân đạo và quân sự.
Các tổ chức EU và các nước thành viên đã cam kết viện trợ 29,2 tỷ USD, mặc dù phần lớn số tiền này đến Ukraine thường rất chậm trễ.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất khoản vay dài hạn không lãi suất trị giá 18 tỷ euro cho năm tới, nhưng khoản vay này vẫn cần các chính phủ thành viên chấp thuận. Mỹ cũng có thể sẽ đóng góp nhiều hơn.
Tuy nhiên, Ukraine đang kêu gọi các khoản tài trợ thay cho các khoản vay. Nếu tất cả các khoản tài trợ đến Ukraine dưới dạng các khoản vay, nợ sẽ tăng lên hơn 100% sản lượng kinh tế hàng năm so với tỷ lệ 83% hiện nay và 69% trước chiến tranh. Gánh nặng đó có thể kìm hãm chi tiêu cho tái thiết sau xung đột.
Theo Cơ quan theo dõi hỗ trợ Ukraine, khoản hỗ trợ toàn cầu trị giá 85 tỷ USD cho Ukraine chưa bằng 15% khoản hỗ trợ mà các chính phủ châu Âu đã cam kết chi để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước chi phí năng lượng cao.
Để có được các khoản vay, Ủy ban châu Âu đề xuất yêu cầu Ukraine cải thiện một số điều.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể hỗ trợ Ukraine không?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã viện trợ khẩn cấp cho Ukraine 1,4 tỷ USD và hỗ trợ 1,3 tỷ USD để giảm bớt cú sốc do xuất khẩu lương thực bị sụt giảm.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói rằng IMF sẽ phối hợp với G7 để nỗ lực hỗ trợ Ukraine nhiều hơn.
Bà nói: “Chúng tôi đang trong quá trình vạch ra một chương trình hợp lý và có quy mô lớn cho Ukraine với sự hỗ trợ đặc biệt của G7 và giới lãnh đạo Đức”.
Tuy nhiên, đối với một chương trình cho vay lớn hơn, trị giá 15 tỷ đến 20 tỷ USD, việc cho vay tiền khi các khoản nợ không bền vững là trái với thông lệ của IMF.
Ông Adnan Mazarei, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng IMF sẽ phải vi phạm đáng kể khung hiện tại hoặc thay đổi nó để cung cấp những khoản tiền lớn cho Ukraine.
Theo TTXVN