Ngày 21-12, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đang xem xét phương án tính thuế đối với dịch vụ Uber.
Thanh tra giao thông kiểm tra một chiếc xe chở khách qua dịch vụ Uber tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 5-12 - Ảnh: Mậu Trường |
Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên gồm nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp
Trên nguyên tắc có phát sinh thu nhập thì phải đảm bảo nghĩa vụ thuế với Nhà nước, cơ quan thuế tính toán: thuế giá trị gia tăng trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu ngành kinh doanh vận tải là 2%.
Ông Nguyễn Quang Tiến - vụ trưởng, phó trưởng ban thường trực Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đã làm việc cụ thể với đại diện Công ty Uber International Holding B.V và xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam.
Hiện phía Uber đang có ba khoản thu nhập gồm: phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX. Theo đó, phía Uber sẽ chuyển 80% cước cho doanh nghiệp vận tải và hưởng phí dịch vụ 20%.
Cũng theo Tổng cục Thuế, mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thu tiền khách hàng đến chi tiền cho doanh nghiệp vận tải đều do Công ty Uber International Holding B.V thực hiện.
Công ty TNHH Uber Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 14-10-2014 chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo và chưa đến kỳ khai nộp thuế.
Tuy nhiên, các dữ liệu, chứng từ thanh toán được lưu trữ đồng thời ở máy chủ nước ngoài và ở cả phía Việt Nam. Do vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để đối chiếu, kiểm chứng khi cần thiết.
Theo Tuổi trẻ