Ông Bùi Công Khương ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành) đã từ bỏ trời Âu để trở về quê hương trồng dưa lưới trong nhà màng.
Ông Khương là người đầu tiên ở miền Bắc trồng thành công giống dưa Kim Long của Malaysia
Có được thành công nơi xứ người nhưng ông Bùi Công Khương ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành) vẫn luôn đau đáu về những nghèo khó tại quê nhà. Và rồi ông quyết tâm từ bỏ cuộc sống nơi phồn hoa để trở về quê hương gây dựng nông nghiệp công nghệ cao.
Mỗi quả dưa lãi 1 USD
Xa quê từ năm 17 tuổi để bươn chải khắp trời Âu, ông Khương luôn bị ám ảnh về sự khốn khó nơi mình sinh ra. Ngày đó, gia đình ông nghèo nhất xã, lại đông người nên với ông cơm độn là thứ xa xỉ. Chỉ tay về phía khu nhà màng hiện đại trước mắt, ông Khương ôn tồn nói: “Khu vực đó trước kia là nơi tôi từng chăn trâu, cắt cỏ. Ruộng thấp trũng, cấy lúa bấp bênh. Còn nay thì đã đổi khác”.
Vốn là người nhanh nhạy nên khi sang Cộng hòa Séc lập nghiệp, ông Khương thấy rõ được sự khác biệt cả về tư duy, trình độ trong cách làm nông nghiệp ở mỗi nơi. Khi kinh tế ổn định, ông có cơ hội đi và tìm hiểu thêm nhiều nước châu Âu khác, so sánh với quê nhà thì nhận ra là “một trời một vực”. Cũng chính từ đó, dù kinh doanh, làm bất động sản ở châu Âu hay những thành phố lớn tại Việt Nam thì ông vẫn luôn hướng về mảnh đất thuần nông nơi chôn nhau cắt rốn. Xa quê nhiều năm, mỗi lần về, thấy quê hương dù có thay đổi nhưng người dân vẫn còng lưng cấy lúa khiến ông không khỏi chạnh lòng. Vì thế, càng mê mẩn những cánh đồng trồng cây trái bài bản, hiện đại ở trời Âu bao nhiêu thì ông càng có động lực về quê làm nông nghiệp bấy nhiêu. “Đây là mơ ước tôi đã ấp ủ cả một đời”, ông Khương nói.
Nghĩ là làm, những lần về nước ông đều bày tỏ nguyện vọng muốn được thuê ruộng song người dân không đồng ý. Khi tưởng như đã gần hết hy vọng thì ông nhận được thông báo nông dân chấp thuận. Năm 2019, gác lại công việc kinh doanh còn dang dở bên nước bạn, ông trở về quê hương, dồn tâm sức làm nông nghiệp.
Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Khương sang Isarel, Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm trước khi bắt tay thực hiện. Thế nhưng mọi thứ không suôn sẻ và thuận lợi như ông nghĩ. Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ chỉ cần nắm chắc kỹ thuật là sẽ thành công song nông nghiệp còn phức tạp và khó lường hơn thế. Có lẽ vì thế mà người dân ngại thay đổi, đón nhận cái mới”. Mọi kiến thức mà ông tích lũy ở những nước có nền nông nghiệp tiên tiến đều không thể áp dụng vào thực tế sản xuất bởi mỗi nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau. Cũng từ đó, ông nhận ra làm nông nghiệp phải vừa học, vừa làm chứ không thể áp đặt, máy móc từ chỗ nọ sang chỗ kia.
Từ 6.000 m2 nhà màng ban đầu, ông Khương mở rộng lên 10.000 m2 rồi 26.000 m2 và là hộ cá thể sở hữu diện tích nhà màng lớn nhất tỉnh tính đến nay. Lý giải về lựa chọn dưa lưới để làm nông nghiệp công nghệ cao, ông Khương cho biết đi nhiều nước thấy người dân ưa chuộng loại dưa này nên có tiềm năng xuất khẩu về sau. Ông đang gieo trồng 6 giống dưa nhập ngoại nhưng ông tâm đắc nhất là dưa lưới vàng Kim Long của Malaysia. Ông cũng là hộ đầu tiên ở miền Bắc sản xuất thành công giống dưa trên. Đây là giống có chất lượng vượt trội song khó tính, mẫn cảm với thời tiết, nhất là khí hậu mưa nắng thất thường của miền Bắc. Tuy nhiên, với quy trình thâm canh chặt chẽ, kiểm soát tốt các khâu sản xuất, ông đã thuần hóa được giống dưa này. Hiện nhãn hiệu dưa Âu Việt của ông Khương đã có mặt ở siêu thị và cửa hàng tiện ích tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Trồng dưa lưới trong nhà màng không còn mới với nông dân Hải Dương, nhưng với cách làm và hướng đi mới, ông Khương thu được lợi nhuận cao. Ông Khương tự tin nói: “Nếu như những nhà vườn khác chỉ bán từ 25.000-35.000 đồng/kg thì tôi bán 45.000-50.000 đồng/kg mà vẫn cháy hàng. Tính ra mỗi quả dưa lãi 1 USD, mỗi năm tôi trồng 3 lứa, mỗi lứa khoảng 40.000 cây thì lãi thu về tiền tỷ". Tính toán đơn giản như vậy song để có được kết quả này không dễ dàng. Lăn lộn thương trường nhiều năm, nếm trải đủ những thành công, thất bại song cay đắng, ngọt bùi trong nghề nông lại khiến ông Khương dễ xúc động. Bởi khi đã ở bên kia dốc cuộc đời thì thứ ông tìm kiếm trong nông nghiệp không còn là lợi ích kinh tế mà là những trăn trở bấy lâu đã trở thành hiện thực.
Lan tỏa làm nông nghiệp công nghệ cao
Khu vườn công nghệ cao của ông Khương là trang trại hiện đại nhất tỉnh với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt được thiết kế đồng bộ tới từng gốc cây. Ông sử dụng nước máy có kiểm định chất lượng để tưới cho cây trồng. Tuy đã phân công công nhân chăm sóc nhưng hằng ngày ông vẫn cẩn thận rẽ từng hàng để kiểm tra từng gốc cây. Với ông Khương, làm nông nghiệp không được phép cẩu thả. Dù trong nhà màng ngột ngạt thì ông vẫn nhẫn nại tỉ mỉ ghi chép đặc tính sinh trưởng của từng cây để đưa ra biện pháp chăm sóc phù hợp. Nhìn cách ông nâng niu từng dây dưa là đủ thấy ông đam mê và tâm huyết đến mức nào.
Dù đã có được thành công bước đầu trong nông nghiệp nhưng ông Khương vẫn nặng trĩu những suy tư. Với ông, mục đích chính đầu tư cho nông nghiệp là vì niềm say mê và mong muốn đóng góp một phần công sức làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
Khi còn ở nước ngoài, công việc bộn bề nhưng ông vẫn dành thời gian chăm chút cho mảnh vườn nhỏ. Vườn của nhà ông trồng nhiều loại rau thuần Việt như rau muống, cần, hành, mùi... Với ông, điều này không chỉ giúp vơi bớt nỗi nhớ quê mà còn là cách để truyền đam mê nông nghiệp cho các con. Và ước mong của ông đã trở thành hiện thực. Xã Kim Xuyên vốn chỉ cấy lúa giờ đã có khu nông nghiệp công nghệ cao hoành tráng. Nói về dự định trong thời gian tới, ông Khương cho biết sẽ không mở rộng quy mô nhà màng mà tập trung sản xuất chuyên sâu. Ngoài dưa lưới, ông sẽ trồng các loại cây cao cấp cho giá trị cao là măng tây, ớt chuông.
Đến với nông nghiệp công nghệ cao vì đam mê song mục đích của ông Khương còn lớn lao hơn thế. Hiện trang trại của ông có 20 công nhân đều là người địa phương. Những người vào đây không chỉ làm công ăn lương mà ông còn dạy họ cách làm nông nghiệp công nghệ cao. Từ nông trại của ông Khương, đã có 2 công nhân mạnh dạn đứng ra xây dựng mô hình sản xuất riêng và cho hiệu quả bước đầu. "Đây chính là mục tiêu thôi thúc tôi trở về quê hương làm nông nghiệp. Tôi muốn lan tỏa cách làm mới để nông dân tự mình vươn lên làm chủ sản xuất chứ không phải dựa dẫm, lệ thuộc vào bất cứ ai. Có thể thời gian đầu rất khó khăn, thậm chí bế tắc song nếu kiên trì, thành quả thu được sẽ rất ngọt ngào", ông Khương trải lòng.
Vừa nhanh tay lật từng chiếc lá để kiểm tra tình hình sâu bệnh, ông Khương vừa tếu táo: "Trước tôi thường vùi đầu vào sổ sách giấy tờ còn giờ thì toàn tâm toàn ý với phân bón, thuốc sâu, cây trồng". Khu đất này ngày xưa vốn chỉ cấy lúa còn hiện trồng dưa lưới cao cấp theo quy trình VietGAP là minh chứng chân thực nhất để người dân tin tưởng mọi thứ đều có thể thực hiện chỉ cần có quyết tâm. Làm nông nghiệp sạch trước mắt mang lại lợi ích cho bản thân, lâu dài là cho cộng đồng. Ông kỳ vọng người dân sẽ đổi đời nhờ nông nghiệp, bằng cách làm chân chính chứ không phải sản xuất chộp giật. Cùng với sản xuất cần cải tạo để khai thác lâu bền giá trị của đất đai.
Hiện rào cản lớn nhất của ông Khương là kiểm soát dịch bệnh. Khí hậu nhiệt đới với đặc trưng nóng ẩm khó thể tránh được bệnh dịch phát sinh, chỉ có thể hạn chế bằng cách thực hiện tốt các khâu sản xuất. Ông đang phối hợp để xây dựng quy trình sản xuất dưa lưới bài bản, đồng bộ. Nếu kết quả khả quan, ông sẽ chuyển giao miễn phí cho người dân có nhu cầu chứ không độc quyền. Ông hy vọng Hải Dương sẽ có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao bền vững chứ không chỉ phát triển theo phong trào, sớm nở tối tàn.
DŨNG CƯỜNG