Tuyển sinh lớp 6: Cải cách nửa vời?

06/07/2015 07:48

Sự đổi mới này hoàn toàn không có ý nghĩa khi vẫn còn tồn tại những trường điểm không tuyển sinh theo tuyến và cách xét tuyển chỉ là sự biến tướng của nhiều kỳ thi.



Học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương) trong  giờ học. Ảnh: Thành Chung


Năm nay, các trường THCS không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 mà phải xét tuyển. Sự đổi mới này hoàn toàn không có ý nghĩa khi vẫn còn tồn tại những trường điểm không tuyển sinh theo tuyến; và cách xét tuyển chỉ là sự biến tướng của nhiều kỳ thi.

Phụ huynh lo lắng

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 sẽ được các trường THCS thực hiện từ ngày 15 tới 30-7. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, các Phòng GD-ĐT đều chưa chính thức công bố phương án tuyển sinh, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng vì năm nay cách thức tuyển sinh khác với những năm trước. Chị Đinh Thu Thảo (phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) định đăng ký cho con vào học một trong những trường chất lượng cao của thành phố nên rất muốn biết trường sẽ xét tuyển như thế nào, để còn định liệu xem con mình có đáp ứng được yêu cầu hay không. Chị Thảo đang bối rối trong việc tìm ngôi trường phù hợp với con mình và lời giải đáp chỉ có sau khi thành phố đưa ra cách thức xét tuyển cụ thể.

“Khi vẫn phải dùng điểm để xét tuyển thì vô hình trung, áp lực thi cử đối với nhiều học sinh vẫn còn, nhất là những học sinh được bố mẹ kỳ vọng sẽ vào học các trường THCS chất lượng cao”.
Cũng giống như chị Thảo, nhiều bậc cha mẹ học sinh đang lo lắng trong việc chọn trường cho con chuẩn bị vào lớp 6. Số này rơi vào những người mong muốn con được xét tuyển vào những trường điểm, trường chất lượng cao, nơi có nhiều hồ sơ xét tuyển hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Quy định tất cả các trường THCS trong toàn quốc chỉ được xét tuyển vào lớp 6, không được tổ chức thi của Bộ GD-ĐT chủ yếu hướng vào những trường THCS này. Còn các trường THCS có số hồ sơ đăng ký bằng hoặc vượt quá chỉ tiêu số lượng không nhiều thì việc tuyển sinh hằng năm thường không căng thẳng, học sinh cứ nộp hồ sơ là được vào học nên quy định này không có tác động gì. Bên cạnh tâm trạng hồi hộp chờ đợi phương án xét tuyển, nhiều phụ huynh còn cảm thấy lo lắng về tính công bằng trong thực hiện xét tuyển vì thực tế ở một số thành phố cho thấy, số lượng học sinh đạt các tiêu chí xét tuyển ngang bằng nhau rất đông.

Xét tuyển bằng nhiều điểm


TP Hải Dương luôn là địa bàn “nóng” nhất trong toàn tỉnh về tuyển sinh đầu vào các cấp do số lượng học sinh đông, số lượng học sinh đăng ký vào các trường có lớp chất lượng cao vượt quá chỉ tiêu gấp nhiều lần. Hằng năm, các trường THCS này thường tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 6. Năm nay, học sinh không phải căng thẳng trải qua kỳ thi này mà việc xét tuyển sẽ hoàn toàn thực hiện trên hồ sơ. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP Hải Dương cho biết, phòng đã xây dựng phương án tuyển sinh lớp 6 năm học này. Dự kiến, tiêu chuẩn nộp hồ sơ vào các trường điểm có lớp chất lượng cao là học bạ từ lớp 1 đến lớp 4 phải đạt loại giỏi, điểm thi năm lớp 5 phải đạt từ 9 trở lên. Tiêu chuẩn này sẽ giúp các trường lọc được khá nhiều hồ sơ. Cách xét tuyển là tính tổng điểm một số môn theo hệ số: môn  toán, tiếng Việt, lịch sử - địa lý và khoa học. Bên cạnh đó còn có điểm thưởng cho học sinh tham dự một số cuộc thi các cấp như thi tiếng Anh qua mạng internet, giao lưu tài năng trẻ tiếng Anh, trạng nguyên nhỏ tuổi… Các đối tượng chính sách là con thương binh, liệt sĩ cũng có điểm khuyến khích. Nếu có nhiều trường hợp tổng điểm bằng nhau thì sẽ xét ưu tiên lần lượt theo thứ tự: ưu tiên trên tổng điểm, xét điểm khuyến khích, ưu tiên học sinh có quá trình tham gia làm cán bộ lớp ở bậc tiểu học, học sinh tham gia các kỳ thi.

Ở các huyện, thị xã thường chỉ có một trường chất lượng cao có số lượng hồ sơ đầu vào cao  hơn chỉ tiêu xét tuyển nên phương án xét tuyển chủ yếu dành cho các trường này. Thị xã Chí Linh những năm học trước đều tổ chức xét tuyển vào Trường THCS Chu Văn An nên không lúng túng trước thay đổi này của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã, những năm trước thị xã có tổ chức thi Olympic lớp 5 và là căn cứ quan trọng để xét tuyển vào lớp 6 nhưng năm học 2014-2015 không tổ chức thi nên phương án xét tuyển cũng có đổi khác. Phương án xét tuyển của thị xã Chí Linh tương tự như TP Hải Dương ở chỗ dựa vào kết quả học ở bậc tiểu học, chỉ khác ở hệ số các môn tại các lớp. Điểm khuyến khích cũng được tính theo các kỳ thi ngoại khóa học sinh tham gia nhưng số điểm này sẽ bị hạn chế trong một mức độ nhất định để bảo đảm chỉ mang tính chất khuyến khích.

Như vậy, thay vì tổ chức một kỳ thi lấy điểm, năm học này học sinh vào lớp 6 sẽ được xét tuyển bằng nhiều loại điểm cộng lại với nhau. Với chủ trương không chấm điểm học sinh tiểu học, không thi tuyển đầu vào lớp 6, Bộ GD-ĐT muốn giảm áp lực học tập cho học sinh. Nhưng khi vẫn phải dùng điểm để xét tuyển thì vô hình trung, áp lực thi cử đối với nhiều học sinh vẫn còn, nhất là những học sinh được bố mẹ kỳ vọng sẽ vào học các trường THCS chất lượng cao.

Khi một số trường THCS vẫn được coi là trường điểm, được phép tuyển sinh trong toàn bộ địa bàn chứ không theo tuyến như các trường khác thì tình trạng có quá nhiều hồ sơ nộp vào và phải xét tuyển bằng điểm thi của các kỳ thi trước đó vẫn sẽ tiếp tục. Với tình hình đó, trong những năm học sắp tới, dự báo học sinh tiểu học vẫn sẽ phải gồng mình với các bài thi cuối năm, tham dự các kỳ thi ngoại khóa để lấy điểm khuyến khích dù theo quy định là các trường không được tổ chức đội tuyển đi thi. Giảm một kỳ thi để tăng áp lực lên nhiều kỳ thi khác sẽ không làm giảm bớt áp lực đối với học sinh tiểu học. Việc đổi mới tuyển sinh này của Bộ GD-ĐT chỉ thực sự phát huy được ý nghĩa khi xóa bỏ hệ thống trường điểm, lớp chất lượng cao, tất cả các trường tuyển sinh theo tuyến như nhau.


 VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Tuyển sinh lớp 6: Cải cách nửa vời?