Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị các trường đại học nghiên cứu về việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng theo nhiều phương thức trên cùng một phiếu đăng ký.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia
Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học trên cùng một phiếu cho nhiều nguyện vọng ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau thay vì chỉ dành riêng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay. Đây là ý tưởng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đưa ra nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong tuyển sinh đại học.
Áp lực thí sinh "ảo"
Theo phó giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, trong thời gian qua, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phần mềm tuyển sinh chung và chạy lọc ảo đã tạo sự thuận lợi rất lớn cho thí sinh và các trường. Thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng. Các em cũng không tốn công sức rút hồ sơ từ trường này chạy sang trường kia để nộp vì hệ thống không liên thông như trước kia.
Với việc sử dụng phần mềm chung, cạnh tranh giữa các nguyện vọng theo điểm số, thí sinh trượt nguyện vọng trên sẽ được tự động xét nguyện vọng tiếp theo và khóa dữ liệu ngay ở nguyện vọng đủ điểm đỗ.
Theo đó, các em sẽ có cơ hội đỗ vào ngành, trường phù hợp nhất với mức điểm và nguyện vọng mình đăng ký. Các trường đại học cũng hạn chế được tối đa tình trạng thí sinh “ảo” (thí sinh nằm trong danh sách đỗ của trường nhưng không nhập học) và chọn được thí sinh phù hợp nhất với trường mình.
Tuy nhiên, trong các năm qua, phần mềm tuyển sinh lọc “ảo” dùng chung chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT (hay kỳ thi THPT quốc gia) với mẫu phiếu đăng ký và kênh tập hợp dữ liệu chung của Bộ. Với các phương thức xét tuyển khác, thí sinh chủ động đăng ký với trường nên chỉ có thông tin trên hệ thống riêng của từng trường.
Trong khi đó, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học, các trường ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh. Năm 2020, nhiều trường có đến 5, 6 phương thức tuyển sinh khác nhau. Ngoài hình thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn có phương thức xét theo học bạ, theo chứng chỉ quốc tế, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ, theo các giải thưởng...
Với việc hoàn thiện hơn phần mềm tuyển sinh đã giúp không còn cảnh thí sinh chầu chực, chen lấn rút, nộp hồ sơ như năm 2015
“Với việc tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỷ lệ "ảo" rất thấp nhưng các phương thức khác thì tỷ lệ "ảo" khá cao, thậm chí rất cao. Các trường sẽ phải "cân não" tính toán để "trừ hao", giải bài toán nên lấy điểm chuẩn của các phương thức này sao cho phù hợp. Lấy điểm thấp thì có nguy cơ không đủ chỉ tiêu, lấy điểm cao lên sợ các em đến nhập học nhiều lại vượt chỉ tiêu và bị Bộ "tuýt còi", ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và hướng nghiệp, Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tích hợp lọc “ảo”
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay tỷ lệ “ảo” cao ở các phương thức khác sẽ làm giảm hiệu quả lọc “ảo” ở phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. “Các trường tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau nên dù có lọc ảo toàn quốc ở phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng lượng ảo vẫn lớn vì thí sinh sẽ có thể đỗ theo nhiều phương thức xét tuyển ở nhiều trường và chỉ chọn học một trường, các trường còn lại là đỗ 'ảo,” ông Vũ nói.
Theo đó, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng bên cạnh việc tiếp tục duy trì lọc "ảo" trên toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có điều chỉnh theo hướng xem xét tích hợp lọc “ảo” tất cả các phương thức để giảm “ảo” hiệu quả hơn nữa.
Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng nếu thực hiện trên cùng một phiếu đăng ký xét tuyển đại học cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường theo nhiều phương thức xét tuyển thì có thể thực hiện tích hợp lọc “ảo” triệt để hơn. “Về mặt kỹ thuật thì điều này có thể làm được,” ông Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nếu thực hiện được việc trên sẽ không chỉ có lợi cho các trường mà cho cả thí sinh. Khi các trường xét tuyển theo nhiều phương thức, mỗi phương thức sẽ có thời điểm yêu cầu xác nhận trúng tuyển khác nhau. Nếu tích hợp lọc "ảo" chung, em sẽ không bị áp lực về việc đến thời hạn phải xác nhận trúng tuyển vào trường này trong khi vẫn đang hy vọng đỗ và chờ kết quả ở trường khác.
“Đây là điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy rất cần thảo luận sâu, đề nghị các trường nghiên cứu. Nếu thống nhất được chúng ta có thể thực hiện ngay trong năm 2021,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Theo Vietnam+