Tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1945

15/08/2015 07:28

Năm nay vừa tròn 70 năm (1945 - 2015) kể từ nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nước ta, làm chết hai triệu người.

Ðó là hậu quả của chính sách cai trị, áp bức, bóc lột vô cùng tàn ác của chế độ thực dân Pháp - phát xít Nhật, phong kiến, địa chủ và thiên tai mất mùa ở một số nơi. Riêng ở hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, số người chết đói đã lên tới trên 20 vạn(*). Theo cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử" do Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1995 mà tác giả là GS. Văn Tạo và GS. Furuta Motoo trong Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam thì xã Nhũ Tỉnh, tổng Mạc Xá, phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải, Tứ Kỳ) được chọn để điều tra. 7 xóm trong thôn gồm Thượng, Bắc, Tây, Trung, Ðông, Nam, Xuân có 500 hộ thì có 160 hộ có người chết đói, chiếm 32%, trong đó có 86 hộ chết cả nhà, chiếm 17,2%. Số người chết đói trong thôn Nhũ Tỉnh lên tới 351 người, chiếm 14,6% số dân.

Ngoài số người chết đói ở làng, có 70 người (trong đó có 12 phụ nữ) phải bỏ làng tha phương cầu thực. Trong số trên có 26 người đã chết, 24 người mất tích, còn 20 người cho đến khi thực hiện cuộc điều tra vẫn chưa về quê hương... Bằng những điều mắt thấy, tai nghe, việc làm, 21 nhân chứng trong cuốn sách đã ghi lại cảnh người chết đói trong làng xã rất thảm thương! Tuy vậy, đến nay, số này cũng chỉ còn có hai người...

Sự tổn thất, đau thương của cả tỉnh nói chung và thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải nói riêng trong nạn đói năm 1945 là vô cùng to lớn, bi thương, cần khắc sâu trong tâm khảm của các thế hệ người dân để càng thấy cái giá trị không gì so sánh khi được sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Sự kiện đó đáng được ghi chép đầy đủ, chi tiết vào sử sách địa phương, với các hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng, với những tấm bia tưởng niệm và các hoạt động tưởng nhớ hằng năm. Tuy nhiên, trên nửa thế kỷ qua, không ít người đã lãng quên sự kiện này, ngay cả những người từng sống trên mảnh đất nghèo đói năm xưa.

Dư luận mong rằng các cấp, các ngành liên quan cần có nhận thức đúng đắn về sự kiện lịch sử này, từng bước có kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, tạo nên những cơ sở vật chất cần thiết… để tưởng niệm những nạn nhân chết đói năm 1945, nhằm giáo dục tình yêu thương con người, quý trọng và biết ơn chế độ, nhất là cho thế hệ trẻ.

THẾ NGUYỄN (Tứ Kỳ)


(*) Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Hải Hưng, tập I (1927-1954)

(0) Bình luận
Tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1945