Tướng Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau

17/05/2014 08:06

Các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang đặt dấu hỏi cho việc Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc ở châu Á và trong các vấn đề song phương hay không?



Khoảng 200 người dân Philippines và Việt Nam đã tập trung trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở khu tài chính Manila
để biểu tình phản đối các hành động sai trái của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng trong khu vực - Ảnh: Reuters


Bản tin trên Military.com cho thấy sự khác biệt rõ nét trong cuộc họp báo giữa Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey với Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy tại Lầu Năm Góc.

Ăn miếng, trả miếng

Mở đầu cuộc họp báo, ông Dempsey nói tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông là gây hấn. Dù là nước đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, ông Phòng lại đổ lỗi cho các nước láng giềng là gây hấn. Ông Phòng cũng lặp lại quan điểm của Bắc Kinh là sẽ không nhượng bộ một phân trong vấn đề ở Biển Đông.

Tại họp báo, ông Phòng đặc biệt đổ lỗi chính sách tái cân bằng của Mỹ “đã gây ra một số vấn đề khiến tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông không còn tĩnh lặng như trước”, đồng thời đe dọa sẽ đáp trả Nhật Bản, Việt Nam và các nước láng giềng đối với các đảo đang tranh chấp. Ông Phòng cũng tuyên bố sẽ không nhượng bộ một phân trong vấn đề lãnh thổ.

Theo bản tin, tướng Dempsey hơi khó chịu khi phải đợi ông Phòng nói rất lâu về chuyện Biển Đông. “Cảm ơn ông đã cho tôi thời gian để chuẩn bị câu trả lời của mình” - ông Dempsey nói khi cuối cùng cũng đến lượt ông phát biểu.

Đáp trả, ông Dempsey bác bỏ việc Trung Quốc phản đối chính sách “chuyển trục” và nói Mỹ sẽ cam kết với chính sách này. “Chúng tôi đến vì chúng tôi có thể và nên làm vậy, chúng tôi đến vì chúng tôi phải làm vậy” - ông Dempsey nói về chính sách tái cân bằng. Ông nhấn mạnh với ông Phòng rằng: “Chúng tôi sẽ đáp trả các đe dọa”.

Dù khác biệt nhưng có thể thấy sự gắn quyện giữa lợi ích của Mỹ - Trung khi ông Dempsey phần lớn giữ quan điểm rằng Mỹ sẽ xây dựng quan hệ quân sự tốt hơn với Trung Quốc để tránh các tính toán sai lầm có thể dẫn tới xung đột. Ông Dempsey không nói quá chi tiết về cuộc hội đàm giữa hai người nhưng nói chung chung rằng họ bàn về “các căng thẳng ở Biển Đông và việc các hành vi gây hấn có thể dẫn tới xung đột”.

Mỹ “rất quan ngại”

AFP trích lời ông Ernie Bower, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chiến lược ở Washington cho rằng, chiến lược gây áp lực liên tục, bao gồm cả việc triển khai giàn khoan và đụng độ trên biển, có thể là chiến lược tổng thể của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi nắm quyền. Ông Bower nói sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc có thể tiếp nối bằng hành động áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông như từng áp đặt tại biển Hoa Đông năm ngoái. Chuyên gia Bower bình luận: “Tôi nghĩ rằng đây là một phần của kế hoạch lớn hơn và đây có thể không phải là hành động gây hấn cuối cùng”.

Trong khi đó, Reuters trích lời một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, Phó Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ, trong cuộc gặp với tướng Phòng Phong Huy tại Washington, đã nói thẳng rằng hành động của Bắc Kinh là “nguy hiểm và gây hấn” và cần phải ngừng lại. Washington cũng nói đang liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam về “cách hiệu quả nhất để giải quyết” cuộc khủng hoảng trên biển hiện nay sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, Phó Tổng thống Joe Biden nói “rất quan ngại” hành động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

“Điều này đặt một loạt câu hỏi cho chúng tôi về mục đích chiến lược lâu dài của Trung Quốc”, quan chức này nói với Reuters. Ông nói hành vi của Bắc Kinh giống hành vi thúc đẩy tuyên bố chủ quyền bằng dọa nạt và đe dọa sử dụng vũ lực. Theo quan chức này, việc Mỹ tái cân bằng về châu Á không phải là để kiềm chế Trung Quốc và Trung Quốc cần phải hành xử theo đúng luật pháp và thông lệ quốc tế.

Chuyên gia Mỹ: Washington cần phản ứng mạnh hơn

Hai chuyên gia Elizabeth Economy và Michael Levi thuộc Hội đồng quan hệ ngoại giao, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ cho rằng, Mỹ cần phản ứng mạnh hơn những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay.

Trên Washington Post, hai chuyên gia nhận định những gì đang xảy ra ở Biển Đông thật sự đang nguy hiểm hơn trước đây. Cách hành xử của các lực lượng quân sự lẫn dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang cho thấy mục tiêu theo đuổi của họ không phải là tìm kiếm nguồn dầu khí. Và Washington cần đưa ra những hành động mạnh hơn thay vì chỉ dừng ở mức đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn với Trung Quốc như hiện nay.

Hai chuyên gia này cho rằng, việc Mỹ khẳng định sẽ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và kêu gọi hai bên giải quyết những bất đồng theo con đường hòa bình là chưa đủ. Thay vào đó, Washington phải kêu gọi Trung Quốc thành thật hơn và phải đưa ra những nguyên tắc thật sự rõ ràng hơn.

Hai chuyên gia bình luận rằng hải quân Trung Quốc quá yếu để có thể thách thức hải quân Mỹ ở các tuyến đường biển tại Trung Đông, thậm chí là cả ở eo biển Malacca.

Báo Mỹ chỉ rõ sai trái của tướng và quan chức Trung Quốc




Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị hỏng do tàu Trung Quốc đâm va, bằng chứng tố cáo hành động
hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh Văn Sơn-TTXVN


Nhật báo "Wall Street Journal" (Mỹ) số ra ngày 16-5 nhận định Trung Quốc đang cố gắng biện minh cho các nỗ lực bảo vệ giàn khoan HD-981, vốn đang là trọng tâm của tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Việt Nam. 

Tại cuộc họp báo trong chuyến công du Mỹ, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy nói rằng giàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải của Trung Quốc vì nó "nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ một trong số các đảo thuộc quần đảo Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974).

Sau cuộc họp báo, các quan chức Mỹ đã phản đối tuyên bố của ông Phòng Phong Huy và nói rằng giàn khoan nằm cách 17 hải lý so với điểm cực Nam của Hoàng Sa (cũng không quốc gia nào công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc - PV). 

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 16-5, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Ouyang Yujing, Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương Trung Quốc nói rằng, giàn khoan nằm cách 17 hải lý tính từ điểm gần nhất của Hoàng Sa, và vì thế là một phần của vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc, chứ không phải lãnh hải, theo luật quốc tế. 

Báo "Wall Street Journal" dẫn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho rằng, một quốc gia có các quyền chủ quyền đối với lãnh hải (12 hải lý từ đường cơ sở) nhưng chỉ được phép thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quân, thuế khóa, nhập cư, vệ sinh trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Tuy nhiên, các nguyên tắc đó không có việc khoan dầu.

Cần nhắc lại, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974 và không quốc gia nào trên thế giới công nhận đây là vùng lãnh thổ của Trung Quốc nên mọi biện minh của nước này liên quan đến quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa đều là trái pháp luật.


TT - TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tướng Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau