Tướng đầu bạc kể chuyện đánh án Năm Cam

18/02/2018 07:00

Nghe đọc lệnh bắt giữ, Năm Cam sững sờ đến nhũn cả người, y không ngờ mình lại tra tay vào còng số 8 trong một kịch bản gọn gàng đến không tưởng của Ban chuyên án Z5-01.


Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, người trực tiếp chỉ đạo chuyên án Z5-01

Cởi nút thắt

Một chiều cuối năm, không hẹn trước chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) trên đường Lương Thế Vinh (TP Hải Dương). Thấy tôi, ông hồ hởi mời uống nước và cũng phần nào đoán được nội dung cuộc gặp. Chẳng là vào tầm này năm trước, tôi đã từng tìm gặp để muốn nghe ông kể chuyện đánh án khi ông đang xây nhà thờ ở quê Tân An (Thanh Hà). Vốn là người kín tiếng nên mặc dù biết tôi là đồng hương nhưng ông vẫn từ chối và hẹn dịp khác.

Lần gặp mặt này, vẫn một mực không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng khi tôi khơi gợi lại những vụ án lớn, những tên tội phạm sừng sỏ một thời, ký ức của vị tướng già ùa về và ông đã cởi lòng mình.

Theo tướng Quắc, những năm 80, 90 của thế kỷ trước được coi là thời kỳ mà các ổ nhóm "xã hội đen" hoành hành khắp trong Nam, ngoài Bắc. Hà Nội có Phúc "bồ", Khánh "trắng", Hải Phòng có Cu Nên, Dung "hà", Lâm "già" chia nhau cát cứ. Dải đất miền Trung có Tin “Pales”. TP Hồ Chí Minh là địa bàn của Năm Cam. Trong số các băng đảng này, ông trùm Năm Cam làm cho tướng Quắc khó quên nhất không phải vì đây là băng đảng khét tiếng mà còn vì có rất nhiều đồng đội, thậm chí cấp trên của ông đã bị ông trùm này mua chuộc dẫn đến vòng lao lý.

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cho biết sau cái chết của trung sĩ Phan Lê Sơn (Công an TP Hồ Chí Minh), đặc biệt là vụ bà trùm đất Cảng Dung "hà" bị bắn chết, việc triệt phá ổ nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu được Bộ Công an đẩy nhanh hơn. Chuyên án mang mật danh Z5-01 do Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) làm Trưởng ban, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc làm Phó trưởng ban.  Hàng trăm trinh sát giỏi được tung vào cuộc.

Theo tướng Quắc, chuyên án Năm Cam có 2 giai đoạn. "Trong giai đoạn 1, các tài liệu về quá trình phạm tội của Năm Cam chỉ ở tội đơn giản như cờ bạc, cho vay nặng lãi, gây rối trật tự... thì hình phạt rất nhẹ. Còn việc Năm Cam chỉ đạo giết Dung “hà” nhiều người biết nhưng làm thế nào để có chứng cứ buộc tội y lại rất  khó", tướng Quắc nói. Trong giai đoạn 2 của chuyên án, quá trình điều tra phát hiện Hải "bánh" nhận lệnh của Năm Cam giết Dung "hà" là bước đột phá để khai thông bế tắc. "Chính tướng Thành đã phải công nhận điều này và nói vui là cảm ơn tôi đã tìm ra nút thắt để khép lại chuyên án", tướng Quắc hồ hởi.

Cuộc vây bắt bí mật

Để phá án, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cùng lãnh đạo ban chuyên án nhiều lần đến nhà hàng của Năm Cam nắm tình hình. "Tôi chỉ đạo triệt phá nhiều vụ án lớn như Khánh “trắng”, Lâm “già”, Cu Nên, Phúc “bồ”... nhưng vụ Năm Cam rất đặc biệt. Năm Cam không bao giờ trực tiếp ra tay mà thường tạo tình huống ngoại phạm như ra nước ngoài rồi chỉ đạo đàn em xử đối thủ nên rất khó thu thập bằng chứng để buộc tội y", tướng Quắc nhớ lại.

Với quyết tâm cao của Ban chuyên án Z5-01, nhiều chứng cứ đã được thu thập, đặc biệt từ lời khai của Hải “bánh” đã làm sáng tỏ kẻ chủ mưu vụ giết Dung "hà" là Năm Cam. "Mọi kế hoạch cho lần cất mẻ lưới cuối cùng đã được Ban chuyên án tính toán tỉ mỉ. Các trinh sát gạo cội thay phiên nhau bám sát, nắm toàn bộ quy luật đi lại của Năm Cam để hành động khi thời cơ chín muồi", tướng Quắc cho biết.

Nhấp ngụm trà, tướng Quắc kể: "Ngày 12.12.2001 - một ngày hiếm hoi Năm Cam đi tập thể dục ở công viên Tao Đàn. Khoảng 7 giờ, y ngồi uống cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm, sau đó chạy xe máy về nhà cô vợ bé ở số 110 Tôn Thất Tùng, quận1, TP Hồ Chí Minh. Tổ trinh sát thay nhau bám sát, ém quân ngồi ở quán cà phê cách đó vài chục mét... Khi kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ, Năm Cam đẩy cổng bước ra. Ngay lập tức, một trinh sát mặc thường phục lao nhanh qua đường vòng tay qua người Năm Cam kéo nhanh y vào nhà. 4-5trinh sát khác lao tới, người cảnh giới ngoài cổng, người phụ đưa Năm Cam vào trong nhà. Sau khi nghe đọc xong lệnh bắt, Năm Cam bị còng về phía trước. Hai trinh sát xốc nách đưa y xuống chiếc xe của ban chuyên án đang mở cửa chờ sẵn".

Tướng Quắc cho biết quá trình xét hỏi Năm Cam là cuộc đấu trí cam go bởi y nghĩ rằng đằng sau có rất nhiều người có thế lực, thậm chí có cả cán bộ cấp cao trong ngành công an bảo vệ. Y khăng khăng chỉ nhận tội tổ chức cờ bạc, không liên quan đến cái chết của trung sĩ Phan Lê Sơn và Dung "hà".

Đến lúc này, cán bộ điều tra buộc phải tung đòn bằng đoạn ghi âm giữa Năm Cam và Hải "bánh": “Xong rồi anh Năm! Xác của Dung “hà” để trong Bệnh viện Sài Gòn, có nên đi thăm hay không?”. "Không nên. Hãy cẩn thận vì công an đang theo dõi, nên hạn chế tiếp xúc với nhau”. Cán bộ điều tra hỏi: “Ông có nhớ hôm đó là ngày nào không?”. Năm Cam lắc đầu: “Thưa cán bộ, tôi không nhớ”. Cán bộ điều tra nói: "Hôm đó là ngày 2.10.2000”.

"Nghe xong, mặt Năm Cam biến sắc, biết không có thế lực nào có thể cứu được, y cúi đầu nhận tội", tướng Quắc nhớ lại. Sau khi Năm Cam bị bắt, toàn bộ “thế giới ngầm” rung chuyển.

Trước khi khép lại buổi trò chuyện, giọng tướng Quắc bỗng chùng xuống. "Vụ án đã khép lại từ lâu, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Không đau sao được khi nhiều đồng đội, thậm chí cả cấp trên của mình cũng bị Năm Cam mua chuộc", tướng Quắc bùi ngùi.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tướng đầu bạc kể chuyện đánh án Năm Cam