Tuổi trẻ đam mê sáng tạo

24/10/2017 15:00

<b>Nhiều năm trở lại đây, phong trào nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm khoa học kỹ thuật mang tính ứng dụng không còn là "địa hạt" riêng của người lớn. </b><br>


Nguyễn Ngọc Đông Anh tự điều khiển máy chăm sóc hoa màu đa năng do em tự tay sáng chế

Nhiều thanh thiếu niên trong tỉnh đã cho ra đời các mô hình, sản phẩm hữu ích hỗ trợ bảo vệ môi trường, giúp giảm sức lao động của người dân...

Hữu ích

Hai nhà sáng tạo trẻ Đoàn Anh Tú (học lớp 12 H) và Tạ Đức Anh (học lớp 12 C, Trường THPT Chí Linh) vừa được nhận giải thưởng cao nhất trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2016-2017. Hai em là tác giả của đề tài "Robot thu gom và phân loại rác thải tại trường học". Ý tưởng này nảy sinh từ năm 2016, khi nhà trường khởi công xây dựng một dãy lớp học mới. Những đống nguyên vật liệu bừa bãi, ngổn ngang đầy sắt nhọn, người lao công phân loại rác thật khó khăn và nguy hiểm. Nếu không may những vật nhọn này vương vãi ra sân trường sẽ gây nguy hiểm cho giáo viên và học sinh. Tú và Anh đã nghĩ là cần phải có một chú robot biết phân loại rác, làm thay con người những việc nguy hiểm. Nghĩ là làm, hai em cùng nhau thực hiện đề tài. Trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn nên các em đã nhờ một số anh chị sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ hỗ trợ thêm. Trong vòng 6 tháng, robot hoạt động bằng pin sạc điện ra đời, có chức năng thu gom, phân loại rác thải tại trường và có thể quét nhà. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại khuôn viên của trường mang lại hiệu quả cao. Với ý nghĩa thiết thực của đề tài và có thể áp dụng vào thực tế, robot thu gom và phân loại rác thải trường học đã đoạt giải nhất trong cuộc thi trên.

Em Nguyễn Ngọc Đông Anh (học lớp 10 G, Trường THPT Kim Thành) cũng vừa đoạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2016-2017 với sản phẩm "Máy chăm sóc hoa màu đa năng". Máy này được Đông Anh sáng tạo năm 2015. Đông Anh cho biết: "Nhà em ở xã Đồng Gia, nơi trồng nhiều hoa màu nhất huyện. Bố mẹ em lúc nào cũng bận rộn, sớm hôm vất vả với việc đồng áng nên em đã nghĩ ra máy chăm sóc hoa màu chạy bằng bình ắc quy tích điện để phần nào giúp bố mẹ và các bác nông dân". Không chỉ tự nghĩ ra ý tưởng, Đông Anh còn trực tiếp làm nhiều thiết bị cho máy, một số chi tiết khó hơn thì nhờ thầy cô giáo và thợ hàn giúp đỡ. Trong vòng 5 tháng, máy chăm sóc hoa màu đa năng đã được đưa vào sử dụng với nhiều chức năng như tưới nước, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu. Trong vòng 1giờ, máy có thể gieo được 1 sào hạt, tiết kiệm khoảng 3 tiếng so với cách gieo hạt thủ công của nông dân. Với niềm đam mê sáng tạo, Đông Anh còn cùng với em Nguyễn Quỳnh Như (học lớp 9 A, Trường THCS Đồng Gia) thực hiện Đề tài "Mô tô thông minh". Chiếc môtô này chạy bằng năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường. Xe có thể chở được 4 người với tốc độ tối đa 50 km/giờ. Đề tài này của Quỳnh Như và Đông Anh cũng đoạt giải nhì cuộc thi trên.

Không nản

Trước đó, máy chăm sóc hoa màu đa năng của Đông Anh đã đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. "Em thực hiện đề tài không nhằm mục đích giải thưởng mà chỉ mong muốn giúp những người nông dân như bố mẹ em bớt vất vả hơn", Đông Anh khiêm tốn nói. Từ nhỏ Đông Anh đã ham học hỏi, tìm tòi, sáng chế những vật dụng hữu ích dùng cho đời sống hằng ngày. Vì thế, em đã làm máy chăm sóc hoa màu đa năng với tất cả sự đam mê và kỳ vọng của mình. Nhiều hôm em thức trắng cả đêm để vẽ lại bản thiết kế máy, những chi tiết sao cho phù hợp, các chức năng có thể vận hành trơn tru, đều đặn. Đến khi đưa máy vào sử dụng thử, một số bộ phận vận hành vẫn chưa được như mong muốn nhưng em không nản lòng mà quyết tâm tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế.

Để có được robot thu gom rác hoàn chỉnh, sau khi hoàn thành việc học tập trên lớp, Tú và Đông Anh dành tất cả thời gian để nghiên cứu, sáng tạo. Trong 6tháng, 2 em đã tự đi tìm nguyên vật liệu để làm robot, vẽ các chi tiết... Đức Anh cho biết: "Để thực hiện đề tài này cần sự kiên trì. Lúc mới bắt tay vào làm chúng em rất thích và hứng thú nhưng nhiều lần làm xong đưa vào thử nghiệm thì robot lại không hoạt động hoặc không theo ý của mình điều khiển. Có lúc chúng em cũng nản lòng nhưng được sự động viên của các thầy cô giáo nên lại cố gắng". Thầy giáo Nguyễn Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh cho biết sáng tạo khoa học kỹ thuật cũng là một hình thức đổi mới giáo dục. Nhà trường luôn khuyến khích các hoạt động này. Đề tài nào được giải ở cấp trên, nhà trường sẽ tiếp tục trích Quỹ Chu Văn An (quỹ của cựu học sinh đóng góp) để khen thưởng.

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hải Dương do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức hằng năm. Cuộc thi ngày càng thu hút được đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia. Theo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, các giải pháp, đề tài ngày càng mang tính thiết thực, phục vụ hiệu quả vào đời sống, sản xuất và phục vụ con người.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuổi trẻ đam mê sáng tạo