Tưới nước tiết kiệm: Giải pháp cho vùng cây ăn quả Chí Linh

13/03/2022 15:19

Phần lớn diện tích trồng cây ăn quả ở TP Chí Linh đều phụ thuộc vào nguồn nước dự trữ từ các hồ đập nên thường xuyên rơi vào cảnh thiếu nước tưới, nhất là vào mùa khô hạn.


Nước giếng khoan là nguồn tưới chính được người dân sử dụng cho các vùng trồng cây ăn quả 

Dự án nước tưới tiên tiến, tiết kiệm ở xã Lê Lợi được xây dựng đã mở ra giải pháp mới cho các vùng trồng cây ăn quả nơi đây.

Thường xuyên thiếu nước

Gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng ở khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm có 1.500 m2 trồng na nằm ngay gần đập Phú Lợi. Dù vậy, năm nào vườn na của gia đình bà cũng có tháng rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Gần đây nhất, giữa năm 2021, để cứu vườn na đang trong giai đoạn kết quả bà phải dùng nước sạch để tưới cho cây. Đây không phải lần đầu tiên bà dùng đến giải pháp này. “Ở đây hầu hết các hộ đều dùng máy để bơm nước từ đập Phú Lợi về tưới cho cây chứ ít khoan giếng. Khu vực này nước ngầm ít nên nếu khoan thì tốn kém mà chưa chắc đã đạt hiệu quả như mong đợi. Nhiều năm mưa ít, nắng nhiều, mực nước trong đập cạn kiệt, chúng tôi chỉ còn cách dùng nước sinh hoạt để tưới cho cây”, bà Hưởng nói.

Trên địa bàn xã Lê Lợi có tới 11 hồ đập, nhưng chỉ có hồ Hố Chùa và Chóp Sôi diện tích tương đối lớn, còn lại đều rất nhỏ. Giống nhiều địa phương khác ở khu vực phía bắc quốc lộ 18, hầu hết diện tích trồng cây ăn quả của xã Lê Lợi cũng rơi vào cảnh thiếu nước vào các tháng mùa khô. Lượng nước do người dân tích trữ ở các ao hồ trong vườn cũng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Ông Lê Văn Mấy ở thôn Đá Cốc, xã Lê Lợi có hơn 2.500 m2 trồng cây ăn quả gồm vải, nhãn và thanh long. Ngoài việc trông chờ nước mưa thì nguồn tưới chính là từ giếng khoan. Ông Mấy cho biết: “Chi phí để khoan giếng thường không dưới 20 triệu đồng, nhiều hộ phải khoan tới 2 - 3 lần mới có nước. Vào tháng 4, tháng 5 là cao điểm mùa khô, khi cây vào giai đoạn cần nước, tôi vẫn phải tưới cầm chừng do nguồn nước có hạn. Những năm bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán thì khi thu hoạch quả vải thường nhỏ, gai nhọn, mã xấu nên giá bán không cao”. 

TP Chí Linh hiện có 68 hồ đập thủy lợi, tập trung ở phía bắc quốc lộ 18. Trong đó chỉ có 8 hồ lớn do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi TP Chí Linh quản lý, còn lại do địa phương quản lý. Hầu hết các hồ đập đều được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nên bị xuống cấp nghiêm trọng, lòng hồ bị bồi lắng nên dung tích chứa không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hướng đi mới

Sản xuất nông nghiệp là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế của xã Lê Lợi, nhất là cây ăn quả. Hiện xã có hơn 300 ha trồng cây ăn quả chủ yếu là vải, nhãn. Trong đó có 10 ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP, 5 ha vải được cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu. Xác định thế mạnh là phát triển cây ăn quả nên xã đã đầu tư xây dựng vùng nước tưới tiết kiệm cho cây ăn quả tập trung. Khu vực được lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến có diện tích hơn 40 ha nằm ở vùng trồng cây ăn quả tập trung ở thôn Đá Cốc với kinh phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách xã. Dự án gồm xây dựng 1 trạm bơm lấy nước từ hồ Hố Chùa, sau đó bơm lên 7 bể chứa, mỗi bể chứa có dung tích hơn 100 m3 nước. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành và chờ nối điện để đi vào hoạt động trong tháng tới.

Ông Hoàng Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi cho biết: “Mô hình nước tưới tự động hoàn toàn mới so với các phương pháp tưới trước đây. Khi hoàn thiện và vận hành, người dân sẽ tiết kiệm được chi phí, sử dụng được nguồn nước tưới lâu dài và hiệu quả, không còn phải lo thiếu nước như trước”.

TP Chí Linh có hơn 6.700 ha trồng cây ăn quả. Trong đó diện tích trồng vải hơn 3.400 ha, diện tích na 839 ha, nhãn 733 ha, còn lại là trồng thanh long. Đây là địa phương có tiềm năng phát triển và hình thành các vùng sản xuất tập trung với nhiều loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Dù vậy, khó khăn lớn nhất của các địa phương là thiếu nước tưới.

Mô hình nước tưới tiên tiến, tiết kiệm cho các vùng cây ăn quả vẫn còn mới mẻ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt ở các vùng chuyên canh rau màu. Việc ứng dụng hệ thống nước tưới tiên tiến, tiết kiệm ở các vùng chuyên canh giúp giảm sức lao động, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10-30% so với trồng trong điều kiện thông thường.

Theo ông Phan Công Long, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh, tưới tiết kiệm sẽ giúp giảm lượng nước tưới, nhân công, tiết kiệm điện năng và tăng hiệu quả của việc sử dụng phân bón. Đây là giải pháp hữu hiệu cho các vùng trồng cây ăn quả, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp. Phương pháp này sẽ giúp giảm lượng nước tưới rất lớn so với cách truyền thống và làm giảm áp lực khai thác, sử dụng nguồn nước bền vững. Ứng dụng công nghệ này giúp mở ra cách làm mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng trồng cây ăn quả.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tưới nước tiết kiệm: Giải pháp cho vùng cây ăn quả Chí Linh