Sáng 10-2 (14 tháng giêng), Hội thi bánh chưng, bánh dày tỉnh Hải Dương lần thứ VIII diễn ra sôi nổi tại sân đá chùa Côn Sơn (phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh).
Các đội tham gia phần thi gói bánh chưng trong tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo du khách
Tham gia hội thi có hơn 100 nghệ nhân đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tới dự, cổ vũ.
Sau tiếng trống khai mạc, tiếng reo hò cổ vũ, các nghệ nhân của 12 đội thi bánh chưng trong trang phục truyền thống đã thể hiện các động tác gói bánh điêu luyện. Theo quy định, mỗi đội cử 5 nghệ nhân thi gói 10 chiếc bánh (5 bánh chay, 5 bánh mặn) trong thời gian tối đa 10 phút.
Những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, đẹp mắt được cho vào nồi luộc
Sau khi chấm hình thức, bánh của các đội được luộc trong thời gian 7 giờ trước khi chấm lại lần cuối. Năm nay, Ban tổ chức chú trọng phần chất lượng bánh và hình thức. Chỉ ít phút, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, đẹp mắt đã được các nghệ nhân đội Tứ Kỳ gói xong đặt lên bàn Ban giám khảo cùng tiếng cồng báo hiệu hoàn thành phần thi.
Bánh của các đội được luộc trong thời gian 7 giờ
Buổi chiều diễn ra phần thi giã bánh dày với sự tham dự của các đơn vị: TP Hải Dương, Tứ Kỳ, Kinh Môn, thị xã Chí Linh, Gia Lộc, Nam Sách. Với 6,8 kg gạo, trong thời gian 45 phút, 6 nghệ nhân của mỗi đội vừa đồ xôi vừa giã và hoàn thiện 5 chiếc bánh.
Các đội tham gia phần thi đồ xôi
Sau tiếng cồng khai cuộc, các nghệ nhân nhanh chóng châm lửa đồ xôi. Khi xôi đã đồ xong, các nghệ nhân mang chạy thật nhanh về sân đá chùa Côn Sơn để tiến hành giã bánh. Với kinh nghiệm, kỹ năng điêu luyện, các nghệ nhân đội thị xã Chí Linh đã nhanh chóng hoàn thành phần thi. Hội thi là buổi trình diễn các kỹ thuật đồ xôi, giã bánh dày với những nét riêng, độc đáo được các nghệ nhân mang đến từ các địa phương trong tỉnh.
Giã bánh dày cũng cần phải có kỹ thuật cao
Thi gói bánh chưng, giã bánh dày là nội dung đầu tiên của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2017 và hoạt động của tỉnh Hải Dương hướng về Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Sáng 11-2, Ban tổ chức sẽ tổng kết trao giải và tổ chức lễ dâng bánh lên các bậc tiền nhân.
Sáng 11-2, Ban tổ chức sẽ tổng kết trao giải và tổ chức lễ dâng bánh lên các bậc tiền nhân
* Tối cùng ngày, tại di tích Côn Sơn sẽ diễn ra nghi lễ an vị tượng tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn và Lễ Liên hoa hội thượng với sự tham gia của đông đảo phật tử, nhân dân và du khách thập phương.
Đức phật Thích ca được bao quanh bằng 1.000 bó hoa ly, 500 bó hướng dương,
500 vỉ hoa lan chuẩn bị cho Lễ Liên hoa hội thượng
1.000 ngọn nến được trang trí trong khu vực diễn ra Lễ Liên hoa hội thượng
NGỌC HÙNG - THÀNH CHUNG