Những bình luận cứng rắn từ quan chức Fed đã thúc đẩy đồn đoán về việc sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa và làm tăng giá đồng USD, khiến giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên 21.4.
Vàng tại Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc ở Prague. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên ngày 21.4 và kết thúc tuần giao dịch tồi tệ nhất trong tám tuần do những bình luận cứng rắn từ các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) suốt tuần qua đã thúc đẩy đồn đoán về việc sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa và làm tăng giá đồng USD.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 1,2% xuống 1.979,63 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,4% xuống 1.990,50 USD/ounce. Kim loại quý này đã giảm khoảng 1,2% kể từ đầu tuần đến nay chủ yếu do đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Trước đó ngày 20.4, các quan chức Fed cho biết lạm phát vẫn trên mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này khá nhiều.
Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết mặc dù việc tăng lãi suất ban đầu sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, song khi động thái này dừng lại, vàng có thể leo lên mức cao kỷ lục gần đây.
Thêm vào đó, Fed có một điểm giới hạn, khi họ không thể tăng lãi suất nữa mà không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.
Vàng cũng chịu sức ép từ cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất của 11 tháng trong tháng 4.2023, điều này mâu thuẫn với các dấu hiệu ngày càng tăng rằng lãi suất cao hơn đang làm giảm nhu cầu.
Thị trường hiện đang nhận thấy có tới 85,4% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 2-3.5 tới. Lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Đầu tuần này, phiên 17.4, giá vàng giao ngay đã trượt xuống dưới mốc 2.000 USD/ounce khi các nhà đầu tư còn đang tìm kiếm tín hiệu về khả năng liệu Fed chỉ nâng lãi suất "một lần rồi thôi" vào tháng Năm hay không.
Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.995,42 USD/ounce lúc 0 giờ 40 (sáng 18.4 theo giờ Việt Nam) sau khi đã có lúc tăng tới 0,6% trước đó cùng phiên.
Sang đến phiên 18.4, giá vàng đã tăng trở lại khi đồng USD suy yếu. Cụ thể, hợp đồng vàng giao tháng 6.2023 tăng 12,70 USD (0,63%), đóng cửa ở mức 2.019,70 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã giảm 0,3% sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên năm 2023, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Sau đó, đồng USD tiếp tục chi phối thị trường vàng trong hai phiên 19-20/4, khiến giá vàng trồi sụt bất nhất, nhưng vẫn trên mốc 2.000 USD/ounce.
Chuyên gia Daniel Ghali tại trung tâm TD Securities cho biết: "Điều mà các nhà giao dịch vàng thực sự quan tâm là tốc độ cắt giảm lãi suất của Mỹ. Thị trường đã chuẩn bị cho chu kỳ cắt giảm lãi suất bắt đầu sớm nhất là vào mùa hè này."
Báo cáo Sách Be được Fed công bố ngày 19.4 cho thấy nền kinh tế Mỹ không chuyển biến lớn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Theo báo cáo, hoạt động cho vay và nhu cầu vay với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm, tăng trưởng việc làm thấp hơn và sức ép giá cả chậm lại.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA cho hay số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tiếp tục tăng cao, vì vậy tăng trưởng kinh tế đang suy giảm.
Cùng ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, John Williams cho biết, lạm phát vẫn ở mức cao và Fed sẽ hành động để hạ nhiệt lạm phát.
Các nhà giao dịch sẽ xem xét thêm ý kiến của các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tuần này, trước khi diễn ra cuộc họp vào ngày 2-3.5.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,1% xuống 25,02 USD/ounce, hướng đến tuần giảm đầu tiên trong sáu tuần.
Bạch kim và palladium, được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác để hạn chế lượng khí thải trong ô tô, đã đi ngược lại xu hướng này. Giá bạch kim giao ngay tăng 2,7% lên mức cao nhất trong hơn một năm là 1.122,80 USD/ounce, trong khi palladium tăng 1,1% lên 1.604,74 USD/ounce, hướng tới tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11.2022.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities, cho biết những lo ngại về nguồn cung do các vấn đề về điện tràn lan ở nhà sản xuất chính Nam Phi có thể thúc đẩy giá bạch kim, trong khi palladium cũng được hưởng lợi từ hoạt động mua bù thiếu.
Theo TTXVN