Từ vụ 821 tỷ đồng nợ thuế của Coca-Cola Việt Nam: Chặn các "ông lớn" trốn thuế

11/01/2020 15:37

Sau khi Coca-Cola Việt Nam bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp vào ngân sách hơn 821 tỷ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều "ông lớn" FDI cần được đưa vào "tầm ngắm" thanh tra.


Theo các chuyên gia, ngoài việc mạnh tay với nạn chuyển giá, giao dịch liên kết..., cơ quan thuế cần công bố công khai những "ông lớn" FDI báo lỗ kéo dài nhằm thúc đẩy việc phát triển một môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch và bình đẳng.

Coca-Cola Việt Nam đã nộp hơn 470 tỷ đồng

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 2020 ngày 10.1, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết sau khi cơ quan thuế công bố kết luận thanh tra, đến nay Coca-Cola Việt Nam đã nộp số tiền thuế gốc là 471 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chưa nộp các khoản chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.

Theo ông Minh, đây là đợt thanh tra kéo dài 9 năm từ năm 2007 - 2015 với nhiều sắc thuế khác nhau, nên số tiền cộng lại lớn.

"Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định là ngày cuối cùng của tháng 12, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam phải nộp số tiền trên vào ngân sách.

Nếu chậm nộp, doanh nghiệp này phải tiếp tục nộp tiền chậm nộp" - ông Minh nói, đồng thời cho biết doanh nghiệp có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện nếu cho rằng quyết định của cơ quan thuế chưa chính xác.

Trước đó, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỷ đồng với Coca-Cola Việt Nam. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16.12.2019. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng. Ngoài ra, qua thanh tra còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỷ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002 đến 2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỷ đồng. Giảm thuế GTGT còn được khấu trừ (tháng 12.2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỷ đồng.

Công ty Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ "khủng".

Đến năm 2013, công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó Công ty Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo cơ quan thuế, "bí quyết" để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.

Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng.

Nhà máy Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ luật hóa chống chuyển giá

Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết chuyển giá không chỉ ở Việt Nam mà vấn đề đang gây đau đầu cho nhiều quốc gia. Để ngăn chặn hoạt động chuyển giá, công cụ chống chuyển giá sẽ được Việt Nam luật hóa với các nhóm chính sách trong thời gian tới.

Nói cách khác, chính sách chống chuyển giá sẽ được nâng cấp thành luật với các quy định gồm nguyên tắc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết, quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch.

Đặc biệt, cách xác định giá đầu tư đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ các bên có giao dịch liên kết cũng sẽ được quy định rất chặt chẽ. Nhưng quan trọng nhất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu về tỉ suất lợi nhuận để đưa ra so sánh.

"Giống như Coca-Cola vào đây thì phải so sánh với các doanh nghiệp đang kinh doanh nước giải khát có ga khác. Ngoài ra, phải căn cứ trên chi phí đầu vào và các yếu tố khác..., ngành thuế sẽ phối hợp với các ngành phải xây dựng cho được hệ thống cơ sở tỉ suất lợi nhuận của từng ngành chứ không áp tùy tiện" - vị này cho hay.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng việc áp dụng các thủ thuật nhằm giảm chi phí thuế, chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp là chiêu mà nhiều tập đoàn đa quốc gia thường áp dụng.

Các tập đoàn này cũng thuê các luật sư rất giỏi của nước sở tại để "vận dụng" các kẽ hở của luật. Luật pháp dù chặt chẽ nhưng khó bao quát hết tất cả ngóc ngách.

Do vậy, theo ông Nghĩa, cần có sự hợp tác quốc tế để có thể trao đổi thông tin, đồng thời tăng cường đội ngũ chuyên trách về chống chuyển giá bởi lực lượng này của ngành thuế còn quá mỏng.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng nên có cơ quan điều tra về thuế để điều tra các nghi án trốn thuế, chuyển giá, các doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục, thậm chí lỗ quá vốn chủ sở hữu mà vẫn mở rộng hoạt động. Luật quản lý thuế đã từng đề xuất vấn đề này nhưng sau đó đã rút lại.

"Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI trong giai đoạn đầu có thể bị lỗ do vốn vay, chi phí đầu tư lớn nhưng không thể một thời gian dài kê khai lỗ mà vẫn mở rộng sản xuất.

Những trường hợp bị truy thu số thuế khủng như Coca-Cola, nếu ngành thuế làm thường xuyên và công bố rộng rãi sẽ tạo dư luận xã hội. Các tập đoàn đa quốc gia cũng tự có sự điều chỉnh vì thấy rằng nếu để những sự việc như thế này xảy ra thì uy tín cũng mất" - ông Nghĩa nói.

Phải công khai các "ông lớn" FDI thua lỗ kéo dài

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, ngành thuế nên công khai tên tuổi những ông lớn nước ngoài kê khai lỗ lớn, nghi án chuyển giá. Theo ông Sơn, nhiều doanh nghiệp lấy lý do đầu tư lớn nên lỗ liên tục hàng chục năm.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư lớn nhưng một thời gian sau vẫn có lãi, đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước.

"Với các ông lớn FDI kinh doanh, làm giàu trên đất nước Việt Nam, sử dụng hạ tầng Việt Nam nhưng lại không nộp thuế, hoặc mãi vài chục năm sau bị truy thu số thuế khủng như Coca-Cola cần có giải pháp mạnh tay.

Một trong số đó là công khai tên tuổi để người tiêu dùng biết và có thái độ ứng xử phù hợp. Chứ nếu vì lo ngại môi trường đầu tư mà không công bố thì không hợp lý" - ông Sơn nêu ý kiến.

Thanh tra chuyển nhượng vốn tại Heineken Hà Nội: Thu hơn 900 tỷ đồng tiền thuế

Nhà nước đã thu được hơn 900 tỷ đồng sau khi thanh tra thương vụ chuyển nhượng vốn ở Công ty Heineken Hà Nội. Số tiền này nếu để làm hạ tầng giao thông có thể xây cả ngàn cây cầu nông thôn như trong ảnh. Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với phóng viên ngày 10.1, lãnh đạo Vụ thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết cuối tháng 12.2019, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, gồm gần 823 tỷ đồng thuế chuyển nhượng và tiền chậm nộp, sau khi cơ quan thuế ban hành kết luận thanh tra và quyết định thu thuế đối với thương vụ chuyển nhượng vốn của Công ty Heineken Hà Nội.

Trước đó, vào cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam với giá trị giao dịch lên tới hơn 4.800 tỷ đồng.

Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng này gần 823 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục Thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore. Do đó, tính đến khi cơ quan thuế thanh tra, số thuế trên vẫn chưa được doanh nghiệp nộp vào ngân sách.

Trong khi đó, theo cơ quan thuế, hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore cũng như Luật Dân sự nêu rất rõ nếu giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50%, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng phải kê khai và nộp thuế ở nước sở tại.

Qua thanh tra, cơ quan thuế kết luận giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50% nên yêu cầu Công ty Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ vụ 821 tỷ đồng nợ thuế của Coca-Cola Việt Nam: Chặn các "ông lớn" trốn thuế