Cách phòng trừ bệnh lùn sọc đen

16/08/2018 12:16

Bệnh lùn sọc đen phương nam (LSĐPN), vàng lá di động (VLDĐ) hiện đang gây hại trên trà lúa mùa sớm, mùa trung của tỉnh.

Đây là 2 loại bệnh nguy hiểm có khả năng làm giảm năng suất lúa và gây ra nguy cơ mất mùa cao nhưng chưa có thuốc đặc trị. Để hạn chế bệnh phát sinh gây hại, nông dân cần làm theo hướng dẫn sau:

1. Dấu hiệu nhận biết lúa nhiễm bệnh:

- Bệnh LSĐPN do virus gây ra, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Lúa bị nhiễm bệnh sẽ thấp lùn, lá xanh hơn bình thường và xoăn ở đầu lá, cây không trỗ bông hoặc trỗ bông không thoát, hạt thường bị đen.

- Bệnh VLDĐ cũng do virus gây ra, rầy xanh đuôi đen là môi giới truyền bệnh. Biểu hiện bệnh rõ nhất khi cây lúa trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến trỗ bông. Khi nhiễm bệnh, lá lúa chuyển sang màu vàng, cây sinh trưởng kém, khóm lụi dần, nghẹn đòng, không trỗ bông.

Cả hai bệnh này đều rất khó phát hiện sớm, thường chỉ nhận ra khi lúa đã nhiễm bệnh nặng

2. Cách phòng bệnh:

- Nông dân cần phun trừ rầy trên những ruộng có mật độ rầy cao, kể cả những khu vực mới có rầy cám, chưa xuất hiện rầy gây hại và những chân ruộng đã nhiễm bệnh từ vụ trước. Sử dụng các loại thuốc tiếp xúc như Dragon 585 EC, Supergun 600 EC, Penalty gold 50 EC... để phun. Lưu ý phải phun đồng loạt, tránh để rầy di trú từ nơi này sang nơi khác.

3. Biện pháp xử lý khi lúa nhiễm bệnh

- Do bệnh LSĐPN, VLDĐ chưa có thuốc đặc trị nên không thể phun trừ bệnh mà người dân chỉ có thể xử lý diện tích lúa bị nhiễm bệnh để bệnh tránh lây lan trên diện rộng theo hướng dẫn sau:

+ Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cần khẩn trương nhổ bỏ những dảnh lúa, khóm lúa bị bệnh, sau đó phun thuốc trừ rầy. Sử dụng các loại phân bón dễ tiêu như phân chuồng hoai mục, phân kích thích rễ, siêu lân... để tăng khả năng hút dinh dưỡng cho cây, giúp lúa phục hồi nhanh. 

+ Những ruộng bị bệnh nặng cần tiêu hủy cả ruộng và có các biện pháp khoanh vùng, nhanh chóng phun trừ rầy, tránh để lây lan.

* Lưu ý: Hiện chưa có thuốc trừ bệnh LSĐPN, VLDĐ nên phải phòng bệnh từ gốc. Nông dân cần làm tốt vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ để mầm bệnh không lây lan sang vụ sau. Hạn chế gieo cấy các giống lúa dễ nhiễm bệnh như TBR225, BC15, Thiên ưu 8... Chủ động phòng trừ rầy môi giới từ khi gieo mạ. Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly, cắt cầu nối truyền bệnh.

(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách phòng trừ bệnh lùn sọc đen