Cách dạy trẻ giữ an toàn khi ở nhà hoặc ra ngoài một mình

23/03/2019 19:00

Trẻ phải bảo đảm các cửa luôn được đóng cẩn thận, nhưng cũng cần biết cách mở cửa thoát ra ngoài nhanh chóng nếu cần thiết.

Trong một số trường hợp, phụ huynh buộc phải để trẻ ở nhà một mình. Chẳng hạn, trẻ được nghỉ hè nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm hàng ngày và không thể tìm được người trông coi trẻ mọi lúc. Đầu óc bạn sẽ quẩn quanh với hàng đống câu hỏi: Trẻ có thể ở một mình mà không được người lớn giám sát trong bao lâu? Làm sao bảo đảm an toàn cho trẻ? Chúng sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó? Nếu có ai đó tới nhà thì sao? Có nên cho phép trẻ ra khỏi nhà và sang chơi nhà bạn vào ban ngày hay không?

Theo trang The Conversation, hầu hết tội phạm sẽ chớp lấy thời cơ và tìm kiếm sự thuận tiện để dễ dàng ra tay. Trộm thường chú ý đến những ngôi nhà không có người, cửa chính hoặc cửa sổ đang mở vào ban ngày. Do đó, bạn hãy dạy trẻ cách khóa cửa trước, cửa sau, bảo đảm không để sơ hở. Tuy nhiên, trẻ cần giữ hoặc cất chìa khóa ở nơi dễ lấy trong trường hợp cần thoát ra khỏi nhà nhanh chóng.

Nếu trộm phát hiện trong nhà có người, chúng sẽ không muốn tiếp cận. Do vậy, những dấu hiệu cho thấy có người ở nhà cũng khá hữu ích, miễn bạn dặn trẻ kỹ càng về việc không được phép mở cửa cho người lạ. Để chuẩn bị cho tình huống này, bạn cần lên kế hoạch cụ thể và có thể tập dượt từ trước với trẻ.

Trẻ cần thuộc lòng số điện thoại khẩn cấp. Ngay cạnh điện thoại, phụ huynh nên dán tờ giấy ghi thông tin cơ bản như tên đầy đủ của mình, địa chỉ nhà và số di động. Điều này sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp trẻ quá hoảng loạn và không thể nhớ được chi tiết.

Nếu bạn bận công việc quan trọng không thể nhận cuộc gọi, hãy ghi sẵn số điện thoại của một người nào khác mà bạn chắc chắn có thể xuất hiện và giúp đỡ trẻ ngay lập tức.

Trẻ có thể dành hàng giờ trên mạng nếu không ai nhắc nhở. Bạn nên giới hạn thời gian online của trẻ trong ngày và cài đặt những phần mềm bảo mật cho phép bạn giám sát hoạt động trực truyến, tránh những "kẻ săn mồi" qua mạng.

Trẻ cần được dạy những nguyên tắc an toàn khi ở nhà một mình. Ảnh: Momtastic

Trẻ cần được dạy những nguyên tắc an toàn khi ở nhà một mình. Ảnh: Momtastic

Nếu bạn đi vắng và con muốn ra ngoài chơi cùng bạn thay vì ở nhà một mình thì sao? Ở độ tuổi thích hợp, trẻ có thể làm điều này, nhưng chỉ khi thống nhất rõ ràng với bố mẹ về thời gian ở bên ngoài. Đồng thời, bạn hãy thiết lập quy tắc riêng về những nơi trẻ được phép đến. Chẳng hạn, vui chơi ở những địa điểm có người giám sát như trung tâm thương mại có thể thích hợp hơn lang thang hàng giờ trên đường phố.

Bạn hãy nhắc trẻ không nên đến gần những người lớn đang ngồi bên trong một chiếc ô tô đang đỗ và cố gắng bắt chuyện với trẻ, giải thích rằng hầu hết người lớn sẽ không yêu cầu trẻ con giúp đỡ mà sẽ tìm người lớn khác. Vì vậy, trẻ phải cảnh giác với mọi lời nhờ vả từ người lớn khi không có bố mẹ đi cùng. 

Tuy nhiên, thay vì dặn trẻ không bao giờ được phép nói chuyện với người lạ, bạn hãy nói rằng nếu cần giúp đỡ, trẻ hãy tìm đến một bà mẹ nào đó đang đi cùng con của mình, hoặc đi đến nơi công cộng như trung tâm mua sắm và tìm gặp nhân viên mặc đồng phục. 

Mặc dù hầu hết phụ huynh tin rằng con họ sẽ không bao giờ có hành vi chống đối xã hội hay vi phạm pháp luật, việc thiếu sự giám sát có thể dẫn đến những diễn biến khó ngờ. Rất ít trẻ thực sự lên kế hoạch cho việc ăn trộm vặt, tuy nhiên có thể vì vài câu thách đố của bạn bè mà cố gắng "thể hiện". Hoặc khi đang đi trên đường và nhìn thấy cơ hội như một món đồ được trưng bày hớ hênh, trẻ có thể "thử" lấy cắp.

Cuối ngày, phụ huynh cần lưu tâm nếu thấy trẻ im lặng, bối rối hay tỏ ra miễn cưỡng khi được hỏi về một ngày đã trải qua. Hãy điều tra kỹ càng hơn khi thấy trẻ có nhiều tiền trong túi hoặc liên tục có đồ mới.

Nếu đã cho phép con ra khỏi nhà, bạn cũng cần bảo đảm chúng an toàn khi trở về một ngôi nhà trống. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là nhìn lướt xem mọi thứ có bị xô lệch và đặt không đúng chỗ hay không. Trường hợp thấy cửa mở khi chưa đến giờ bố mẹ tan làm hay những dấu hiệu lạ khác, trẻ không được bên trong. Trường hợp đã về nhà an toàn, trẻ vẫn cần gọi điện thông báo để bố mẹ biết được tình hình.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách dạy trẻ giữ an toàn khi ở nhà hoặc ra ngoài một mình