Cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết

08/01/2020 16:46

Người miền Bắc chú ý màu sắc, dân miền Trung, Nam bày biện đơn giản theo hình thức quả to ở dưới, bé đặt lên trên.

Khi Tết đến xuân về, mỗi gia đình Việt đều không thể thiếu mâm ngũ quả, chứa đựng ước nguyện năm mới sung túc tới cho gia chủ. Với mỗi vùng miền, cách bài trí, chọn loại quả có phần khác biệt, thể hiện phong tục từng vùng.

Mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên thể hiện 5 ước nguyện của ông cha: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh. Ngũ quả còn thể hiện công sức, thành quả của người nông dân sau một năm dài vất vả, biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy. 

Miền Bắc

Mâm ngũ quả của gia đình miền Bắc thường có năm loại: chuối xanh, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng và quýt. Quả chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc là trọng tâm của mâm ngũ quả. Nải chuối có hình giống bàn tay ngửa lên để che chở, bảo vệ cũng như đem lại phúc lộc cho gia chủ. 

Mâm ngũ quả nhiều màu sắc của người miền Bắc.

Mâm ngũ quả nhiều màu sắc của người miền Bắc

Quả bưởi, phật thủ có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ. Loại quả  đặt ở vị trí trung tâm, nằm ngay trong lòng nải chuối. Hiện nay, nhiều gia đình dùng quả Phật thủ để thay thế quả bưởi vì có mười cánh chụm lại như hình bàn tay Phật , đều mang ý nghĩa may mắn, trời phật ban lộc, bình an. 

Người miền Bắc thường chọn số quả là số lẻ trong mâm ngũ quả với quan niệm sẽ mang lại may mắn. Tuy nói là ngũ quả nhưng thực tế người dân thường bày biện nhiều hơn năm loại quả, màu sắc cũng đa dạng, sao cho mâm ngũ quả đầy đặn, đẹp mắt. 

Miền Nam

Người miền Nam bày biện mâm ngũ quả theo phát âm của từng trái làm sao để có thể đạt: cầu, sung, vừa, đủ, xài (dùng) tương ứng với năm loại quả là: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó, đế được tạo nên từ ba quả dứa (quả thơm) mang lại cảm giác chắc chắn.

Ngoài ra, người miền Nam thường quan tâm đến ý nghĩa tên gọi của mỗi loại trái cây. Ví dụ, dưa hấu là loại trái cây quen thuộc luôn góp mặt trong mâm ngũ quả của người dân Nam Bộ. Dưa hấu có ruột đỏ vỏ xanh thể hiện cho lòng trung nghĩa của người dân miền Nam. Mặt khác, quả chuối vì có phát âm tiếng miền Nam gần giống "chúi" thể hiện sự nguy khó hay quả cam, quýt vì có câu "Quýt làm Cam chịu" cũng không tốt nên bạn sẽ không thấy các loại quả này ở mâm ngũ quả Tết của người miền Nam.

Sắc xanh trong mâm ngũ quả của người miền Nam.

Sắc xanh trong mâm ngũ quả của người miền Nam

Miền Trung

Khác với miền Bắc và Nam, dải đất miền Trung bày trí đơn giản hơn, theo hình thức quả to, nặng đặt ở dưới làm đế, những quả có trọng lượng nhỏ chèn bên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống. Nhiều gia đình còn cài xen kẽ những bông hoa cúc vàng tươi vào mâm ngũ quả để trông đẹp mắt hơn. 

Người dân miền Trung không chú trọng phải có một mâm ngũ quả cầu kỳ mà chủ yếu dâng sự thành tâm, nhà có gì cúng nấy. Miền Trung là nơi có sự giao thoa giữa miền Bắc và miền Nam nên mâm ngũ quả của họ cũng khá đủ đầy, có thể có cả những loại hoa quả của 2 miền. 

Mâm ngũ quả mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.

Mâm ngũ quả mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết