2 cách phòng bệnh tay chân miệng

10/10/2018 15:13

Dịch tay chân miệng đang xảy ra ở các tỉnh phía nam. Đến nay đã có 6 trẻ tử vong và nhiều trẻ nhập viện vì bệnh...

Giữ vệ sinh để phòng tay chân miệng 

Dịch lưu hành cả nước 

Theo thạc sĩ Phạm Hùng – Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tay chân miệng tuy nhiên, đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%). Hiện bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở nước ta.

Cũng theo bác sĩ Hùng ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quang năm và lây truyền theo đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm khoảng 100 nghìn trường hợp.

Năm 2018, bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở nước ta, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, tuy vậy có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).

Các type vi rút chủ yếu là EV71 chiếm 21%, EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.

Phòng là chính 

PGS Bùi Vũ Huy – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết bệnh chân tay miệng hay xảy ra ở lứa tuổi nhà trẻ, vấn đề này không chỉ xảy ra riêng VN mà gần như các nước trên thế giới. Bệnh này do một số loại vi rút gây nên và được lây truyền qua đường tiêu hoá.Ví dụ: Ăn chung bát, chung thìa, trong nhà trẻ các cháu bò lê dưới đất, tay chân bị nhiễm vi rút sau đó bé mút tay, mút đồ chơi mà điều quan trọng nhất trong nhà trẻ chỉ cần 1 cháu bị bệnh, qua cách như trên thì dẫn đến các cháu khác trong cùng nhà trẻ bị bệnh.

Cách phòng: để phòng bệnh này, hiện nay loài người chưa có vắc xin, vì vậy chúng ta phải thực hiện hai biện pháp chính:

Thú nhất: tăng cường vệ sinh cụ thể như rửa tay thường xuyên, sử dụng dụng cụ bát đĩa riêng, huấn luyện cho các cháu không mút tay, ngậm đồ chơi và các cháu cần vệ sinh đúng chỗ.

Thứ hai: Cần phát hiện kịp thời những cháu trong nhà trẻ có biểu hiện ốm đau bất thường được đi khám và cách ly ngay để không lây truyền cho các cháu khác.

Tuy nhiên, tôi cũng biết 1 số nhà trẻ rất khó quản lý các cháu ốm. Vì vậy, nhà trẻ nên có phòng riêng chăm sóc những cháu ốm tránh lây lan cho các cháu khác.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng; bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Theo Infonet

(0) Bình luận
2 cách phòng bệnh tay chân miệng