Tư vấn trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa hè

27/04/2016 06:55

Từ 8 đến 10 giờ ngày 27-4, bác sĩ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tư vấn cho bạn đọc về phòng chống một số loại dịch bệnh mùa hè.




Thời tiết đang chuyển mùa, một số loại bệnh dịch như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, sởi, thủy đậu, tay - chân - miệng, tiêu chảy, viêm não Nhật Bản B, viêm đường hô hấp... có chiều hướng diễn biến phức tạp, nguy cơ mắc tăng cao.

Để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè, bảo vệ sức khỏe chính mình, từ 8 đến 10 giờ ngày 27-4, báo điện tử Hải Dương tổ chức tư vấn trực tuyến với chủ đề: "Phòng chống dịch bệnh mùa hè". Khách mời là bác sĩ chuyên khoa INguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

NỘI DUNG CUỘC TƯ VẤN

Lê Thúy An (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Hưng Thịnh, Bình Giang
Nhà tôi có trẻ nhỏ nên cứ đến mùa hè lại lo lắng các cháu dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, chân tay miệng,... Vậy hiện nay, dịch bệnh nào đang là nóng nhất mà chúng ta cần phải quan tâm?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương tình hình mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm tương đối ổn định. Trong mùa hè này, bệnh tiêu chảy và tay - chân - miệng cần quan tâm. Riêng sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này tỉnh ta chưa ghi nhận được trường hợp nào mắc bệnh.

Đỗ Thị Nhâm (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bình Hàn, TP HD
Cho tôi hỏi, ở lứa tuổi nào dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất? Tôi muốn hỏi cách phòng, chống bệnh tại nhà. Nếu cần mua thuốc khử khuẩn thì có thể mua loại nào, ở đâu ?




Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Bệnh tay - chân - miệng có thể mắc ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo trẻ dễ mắc bệnh hơn.

Cách phòng chống tại nhà:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.

- Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng.

- Không cho trẻ tiếp xúc với các trường hợp nghi mắc tay - chân - miệng.

- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với nước xà phòng, sau đó khử trùng bằng cách chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ.

- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng quy định.

Các dung dịch tẩy rửa thông thường đều có dụng sát khuẩn trong phòng chống tay - chân - miệng và có thể mua tại các cửa hàng tạp hóa.

Đinh Thị Hương (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:số 15, Ngô Hoán, Hải Tân, TP HD
Hai cháu nhà tôi lần lượt bị tiêu chảy. Tôi băn khoăn không biết bệnh này có lây không? Nếu có thì lây qua đường nào? Cách xử lý nguồn nước ăn uống và nước sinh hoạt ra sao khi trong nhà có người bị tiêu chảy cấp?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Bệnh tiêu chảy có nhiều nguyên nhân, trong mùa đông xuân thì phần lớn trẻ em mắc bệnh tiêu chảy là do virus Rota. Bệnh tiêu chảy thường lây qua đường tiêu hóa.

Cách xử lý nguồn nước ăn uống và sinh hoạt:

- Nước uống phải được đun sôi.

- Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt.

Với nguồn nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm do phẩy khuẩn tả thì cơ quan y tế sẽ cắm biển cảnh báo để người dân biết và sẽ trực tiếp xử lý nguồn nước nguy cơ bị ô nhiễm (người dân không nên tự mua hóa chất về để xử lý nguồn nước).

Đinh Thành Vinh (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thị trấn Nam Sách
Công tác dự phòng của tỉnh Hải Dương được triển khai thế nào để phòng chống các dịch bệnh mùa hè?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2016. Trong kế hoạch có tập trung một số nội dung:

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm, các triệu chứng để người dân biết, chủ động phòng ngừa.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.

- Tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

- Tăng cường công tác giám sát chủ động, sớm phát hiện các ca nghi ngờ hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm để chủ động khoanh vùng xử lý kịp thời, không để bệnh dịch lây ra cộng đồng.

- Sẵn sàng đội cơ động phòng chống dịch.

- Duy trì công tác thống kê báo cáo theo đúng quy định.

Đặng Lệ Hằng (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Phạm Ngũ Lão _ TPHD
Thưa bác sĩ, tiêu chảy cấp thường do nguyên nhân gì? Có phải chỉ do ăn uống mất vệ sinh hay còn lý do nào khác?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp là do phẩy khuẩn tả. Bệnh này lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu qua ăn uống, vi khuẩn tả xâm nhập vào đường tiêu hóa của người lành từ nước uống và thức ăn có nhiễm phẩy khuẩn tả.

Đỗ Thị Oanh (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thị trấn Nam Sách
Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để phân biệt được sốt virut, phát ban và sởi? Có phải khi mắc bệnh sởi thì phải tránh gió và không được tắm hay không?




Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Muốn phân biệt giữa sốt phát ban, sởi và sốt virus bạn cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm thì mới có kết quả chính xác.

Khi mắc bệnh sởi, sức đề kháng của trẻ sẽ giảm, dễ gây viêm phổi và các biến chứng khác. Vì vậy, nếu cho trẻ tắm thì nên tằm bằng nước ấm, nơi tắm kín đáo, tránh gió lùa. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi không cần thiết.

Phạm Mai Liên (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Phường Trần Phú, TP HD
Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết thông tin về bệnh viêm màng não mô cầu cũng như mức độ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong, các biến chứng và di chứng của bệnh này được không?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Bệnh viêm màng do não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người bị cảm nhiễm. Mọi người đều có cảm nhiễm với viêm não mô cầu.

Bệnh diễn biến nhanh trong vòng 24 giờ, tỷ lệ tử vong cao.

Có từ 10-15% các trường hợp bệnh khỏi nhưng vẫn để lại di chứng.

Nguyễn Tiến Dũng (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Đại Đồng, Tứ Kỳ
Con tôi hiện nay đã 3,5 tuổi, cháu đã tiêm mũi sởi - quai bị - Rubella lúc 18 tháng tuổi. Tôi nghe nói phải tiêm đủ 2 mũi sởi thì mới đủ, xin hỏi bác sĩ trường hợp của con tôi nếu bây giờ tiêm bổ sung có được không?



Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Nếu con bạn tiêm mũi 1 sởi - quai bị - Ruella lúc 18 tháng tuổi thì sau 4 năm sẽ tiêm nhắc lại mũi 2.
Phạm Thé Mạnh (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bình Hàn, TP HD
Bệnh do virus zika có triệu chứng như thế nào? Triệu chứng của bệnh này và sốt xuất huyết giống và khác nhau như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika đều do một loại muỗi Aedes mang virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, virus Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Tuy nhiên, đây là những phương thức lây truyền không phổ biến.

- Đối tượng dễ mắc bệnh: Trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết nhất. Đối với virus Zika, bất kì ai sống trong vùng có muỗi Aedes và từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh đều có thể bị lây nhiễm.

- Triệu chứng: Các bệnh nhân mắc bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết thường có triệu chứng tương tự nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Bệnh nhân mắc virus Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao hơn cũng như đau nhức cơ nhiều hơn, đặc biệt là có biểu hiện xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chân răng). Tuy nhiên, bệnh do virus Zika thường lành tính hơn so với sốt xuất huyết, tỷ lệ tử vong thấp.

Bệnh do virú Zika cũng như bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng bệnh.

Hoàng Minh Sơn (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Phường Trần Phú, TP HD
Qua theo dõi trên báo chí, tôi nắm được thông tin Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức tiêm vac xin phòng quai bị dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân. Vậy đến nay, các địa phương đã thực hiện việc này đến đâu, có đáp ứng được nhu cầu thực tế không?




Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Trong tháng 3-2016, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành công văn về phòng chống bệnh dịch quai bị, trong đó có chỉ đạo các đơn vị chủ động đáp ứng nhu cầu tiêm phòng vaccine quai bị khi người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, vaccine phòng bệnh quai bị không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay trên thị trường không có vaccine phòng quai bị đơn liều. Việc triển khai tiêm vaccine phòng bệnh quai bị do Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã thực hiện. Người dân có nhu cầu tiêm vaccine phòng quai bị nên đến Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn và tiêm phòng.


Đỗ Văn Bảo (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:
Virus zika gây ra bệnh teo não ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Biến chứng của bệnh teo não do virus Zika hiện nay y học chưa khẳng định chắc chắn, tuy nhiên có mối liên quan giữa những phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika với các trẻ bị teo não.

Đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân. Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất.

Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

Những phụ nữ đang mang thai ở/đi/đến từ vùng dịch, có tiếp xúc với người mắc bệnh do virus Zika trong vòng 12 ngày nếu xuất hiện các triệu chứng sốt phát ban, đau mỏi cơ... nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và tư vấn.

Nguyễn Thị Tâm (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thị trấn Khoái Châu, Hưng Yên
Cách phân biệt mụn do bệnh chân tay miệng với mụn do thời tiết nóng gây ra ở trẻ em? Nếu phát hiện muộn thì cách xử lý như thế nào?




Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Khi phát hiện trẻ có các mụn ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân..., người dân nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Vũ Thị Ban (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bến Tắm - Chí Linh
Khi tôi bị tiêu chảy, đến hiệu thuốc được tư vấn mua thuốc Smecta và uống thì khỏi, vậy sau này nếu lại bị tiêu chảy, tôi có thể tự dùng Smecta được không?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Bạn không nên tự mua thuốc điều trị mà cần có sự khám, tư vấn, điều trị của các y, bác sĩ.

Vũ Mai Linh (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bình Lâu, Tân Bình, TPHD
Nhà tôi vườn, ao rộng cứ phun thuốc diệt muỗi được ít hôm thì lại nhiều trở lại. Nghe nói trồng các cây thảo dược tiêu diệt được muỗi. Vậy xin hỏi bác sĩ có loại cây này không? mua ở đâu?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Phun thuốc diệt muỗi phải có chỉ định của cơ quan chuyên môn. Việc sử dụng hóa chất để diệt muỗi nếu pha không đúng nồng độ sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Vì vậy người dân có nhu cầu sử dụng hóa chất diệt muỗi nên đến các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố được hướng dẫn cách pha và phun hóa chất.

Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika, người dân nên chủ động không để muỗi đốt bằng các biện pháp: nằm màn, mặc quần áo dài tay vào thời điểm muỗi Aedes (muỗi vằn) hoạt động (sáng từ 6-8 giờ, chiều từ 4-6 giờ). Sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp.

Loại bỏ các ổ bọ gậy, loăng quăng, muỗi bằng các hoạt động:

- Thường xuyên co rửa lu, chum, vại... dụng cụ chứa nước, dùng bàn chải chà xát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ. Đậy nắp không cho muỗi vào đẻ trứng.

- Đối với những dụng cụ chứa nước lớn không thể súc rửa, đậy nắp được thì thả cá để diệt bọ gậy, loăng quăng.

- Đối với các dụng cụ khác như bát kê chân chạn, lọ hoa, chậu cây cảnh... thay nước ít nhất 1 lần/tuần, cho muối ăn hoặc dầu vào bát kê chân chạn, cọ rửa thành của vật dụng để loại bỏ trứng muỗi.

- Loại trừ ổ bọ gậy bằng cách phá hủy hoặc loại bỏ những ổ chứa nước tự nhiên hay nhân tạo trong và xung quanh nơi ở.

Mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika với khẩu hiệu: "Không có loăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika".

Đinh Thế Vinh (bandientubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Trần Hưng Đạo, TP HD
Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên thế nào cho người dân khi mùa hè đang đến, những loại dịch bệnh có nguy cơ phát triển mạnh?



Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực: Mùa hè nhiệt độ thường cao, cơ thể dễ mất muối, mất nước nên dẫn đến tình trạng say nắng, say nóng. Bên cạnh đó, các bệnh dịch như tiêu chảy cấp, ngộ độc ăn uống, sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Để chủ động phòng chống dịch bệnh và giữ gìn sức khỏe, người dân cần chú ý:

- Tránh ra trời nắng vào thời điểm nhiệt độ cao khi không cần thiết.

- Khi đi ra đường nên có bảo hộ chống nóng.

- Ăn uống hợp vệ sinh (ăn chín, uống chín). Đặc biệt cần uống đủ nước.

- Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

Cuộc tư vấn trực tuyến kết thúc, xin chân thành cảm ơn khách mời và bạn đọc!


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư vấn trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa hè