Hà Trọng Đạm viết khá đều dù công việc của một doanh nhân rất bận. Cách đây ba năm, anh gom các bài thơ đã đăng báo in thành tập “Trước mùa lúa chín”. Năm 2011, anh tiếp tục trình làng tập thơ thứ hai tựa đề “Tự vấn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Đọc thơ Hà Trọng Đạm, dễ thấy ở anh sự hồn hậu, giọng thơ chất phác, không cầu kỳ, nếu ai không kiên trì, khó đọc đến hết tập. Tôi đọc thơ anh thấy đồng cảm, bởi cùng xuất thân từ làng quê, cùng với những kỷ niệm thân thuộc thời thơ ấu “Đứng ngóng mẹ chợ chiều khoanh sắn luộc”. Từ đó dễ thấy những hình ảnh quen thuộc trong “Tự vấn”, với những con người nơi quê hương đã từng rất gắn bó với anh. Anh viết những câu thơ có hình ảnh thật gợi, phải có tình cảm sâu sắc lắm mới viết nên được thế này: “Đồng chiêm.Gồng gánh còng lưng/Bấm chân vào đất bỗng dưng vòng kiềng/Mẹ tôi-giấc ngủ cũng nghiêng/Nắng mưa nón lá chung chiêng che đầu” (Mẹ tôi).
Trong “Tự vấn”, Hà Trọng Đạm gửi gắm lòng mình bằng những bài thơ, câu thơ mang tính triết luận. Anh viết cho con trước mùa thi, dặn con khi qua tuổi vị thành niên, về những điều hay, lẽ phải trên đời. Anh bàn về việc uống rượu, lẽ sống, chuyện nhân tình thế thái ở đời, chuyện đổi thay lòng người, thẳng ngay, giả dối… Anh đề cao sự giản dị, cái cốt lõi ở con người sống với nhau chân thành, chí nghĩa, chí tình trong những bài thơ văn xuôi “Khai bút”, “Mùa hoa lúa trổ”, “Tâm sự trước giao thừa”. Hà Trọng Đạm thường lấy dẫn chứng sự việc để nêu suy nghĩ của mình, anh chú ý tới những hình ảnh đối lập: “Phía trước ta/Đường hành hương/ Đông vui lễ hội. /Phía sau ta/ Đồng chiêm trũng/Dáng mẹ liêu xiêu…/ Phiên chợ làng/Thùng thóc giống/Cha bán bao nhiêu?” (Đoản khúc buồn). Câu hỏi ấy thật sự đã làm day dứt người đọc.
Tôi nghĩ, Hà Trọng Đạm thành công khi anh viết về phong cảnh làng quê, với những kỷ niệm về quê hương, về con người và những miền đất anh đã đi qua.
Những bài thơ “Nhớ tháng Năm ở đồng chiêm”, “Trở về xóm nhỏ 2”, “Sông xuân”, “Viết ở bến nước làng tôi”… được Hà Trọng Đạm ký họa phong cảnh, sinh hoạt ở làng quê chi tiết, như một bức tranh tả thực. Tôi thích những câu: “Chiếc cối đồng mẹ nghiền nát chúm cau/Mảnh trầu héo, vụn thuốc lào, vôi bột…/ Chạng vạng tối gà lạc chuồng tao tác/ Lợn rít kêu ướt lạnh thiếu ôm rơm/Bếp thơm mùi than rạ ủ chín cơm/Làn gió bắc đầu mùa lay phên liếp/ Mảnh gáo dừa nằm nghiêng bên chum nước/Gốc cau già khô quắt túm tua cau”. (Trở về xóm nhỏ). Hay: “Vẫn còn thổn thức tiếng ve/Bông hoa gạo đỏ rặng tre cuối làng/Vẫn còn hoa mướp rộ vàng/Lối về quán dốc đình làng mái cong/Vẫn còn bếp rạ lửa hồng/Trong tôi ủ giữa cháy lòng ngày xa”. (Vẫn còn).
Như những người đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, Hà Trọng Đạm hoài niệm về thời đã qua, để chiêm nghiệm, đánh giá lại bản thân mình. Rất nhiều bài thơ của anh có những câu “trở về”, “gặp lại”, “nhớ về”, “ngày xưa”, “thuở ấy”… Cảm xúc và sự da diết, đau đáu nhớ quê làm nên con người thơ Hà Trọng Đạm và những câu thơ hiền lành, chất phác. Trong bài “Tự vấn” anh lấy làm nhan đề cho tập thơ, anh bàn về chân-thiện-mỹ ở đời và ở trong thơ. Thời gian đi qua, đối với mỗi người đã làm được gì, “Ta còn là ta/Hay bóng ta thôi”? Câu hỏi ấy, thật khó trả lời.
NGUYỄN ĐÌNH XUÂN