Khi Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, Người lại quan tâm đến vấn đề "giữ gìn Đảng ta thật trong sạch", hoàn thiện Nhà nước ta bằng quyền dân chủ của nhân dân, để nhân dân bầu ra Nhà nước và chính quyền các cấp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Đồng thời Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và xây dựng nên chính quyền cách mạng. Đảng và Nhà nước là hai nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị, giữ vai trò quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đảng ta là độ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc; Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Người đã không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức đảng và bộ máy Nhà nước. Khi Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, Người lại quan tâm đến vấn đề "giữ gìn Đảng ta thật trong sạch", hoàn thiện Nhà nước ta bằng quyền dân chủ của nhân dân, để nhân dân bầu ra Nhà nước và chính quyền các cấp.
Ngay sau khi giành được độc lập (2-9-1945), để củng cố chính quyền cách mạng, đối phó với thiên tai địch họa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề trọng dụng nhân tài ra giúp việc nước mà nhân tài ở trong nhân dân. Người nói: "Nước nhà cần kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhiều nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc chắn không thiếu những người có tài, có đức. Vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khiếm khuyết ấy tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết". Người cũng đã đề nghị Chính phủ tổ chức Tổng tuyển cử: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân". Đây thật sự là tư tưởng lấy dân làm gốc của Người. Vì Nhà nước cũng như chính quyền các cấp do dân bầu ra, vì vậy phải do dân kiểm soát. Nhân dân bầu ra các đại biểu đồng thời có quyền giám sát và bãi miễn các đại biểu của mình.
Xuất phát từ quan điểm về vai trò lớn của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước: Nhà nước của ta do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; Nhà nước ta do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để Nhà nước chi tiêu, hoạt động. Do đó Người yêu cầu: "Tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Nghĩa là khi các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân sẽ bãi miễn nó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của bầu cử Quốc hội và HĐND là lựa chọn những đại biểu tiêu biểu cho trí tuệ và ý chí đoàn kết thống nhất, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Là người đại biểu, cán bộ chính quyền thì phải có phẩm chất đạo đức cách mạng. Người nói: "Để xứng đáng là người đày tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, lao động; luôn luôn giữ tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối". Khi nói đến mối quan hệ giữa nhân dân và Chính phủ, Người cho rằng: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là phải gánh vác việc chung của dân chứ không phải đè dầu dân như thời dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đồng thời thông qua bầu cử Quốc hội, HĐND để phát huy trí tuệ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chắc chắn con đường đi lên CNXH vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi.
NGUYỄN THỊ LÂM