Tự sản xuất thức ăn cho lợn để kiếm chút lãi

02/11/2017 10:05

Trong bối cảnh giá lợn hơi liên tục giữ ở mức thấp và chưa có khả năng tăng giá, để có thể tiếp tục tái đàn, duy trì sản xuất, một số hộ chăn nuôi ở thôn An Bình, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) đã tự chế biến thức ăn để cắt lỗ, thậm chí là có lãi.


Tự sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp người nuôi lợn giảm chi phí

"Cái khó ló cái khôn"

Sau “cơn bão” giá lợn liên tục giảm, các  trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái đàn, duy trì sản xuất. Tình trạng "treo" chuồng diễn ra ở khắp mọi nơi. Những hộ có nhiều năm nuôi lợn thì tái đàn với quy mô nhỏ hoặc nuôi cầm chừng.

Để khắc phục khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng các giải pháp, trong đó phổ biến nhất là giảm lượng thức ăn trong chăn nuôi. Mặc dù vậy, việc giảm thức ăn cho lợn,  nhất là trong thời kỳ lợn đang phát triển mạnh (từ hơn 40 kg trở lên) sẽ làm chậm quá trình phát triển và sinh trưởng, giảm sức đề kháng. Vì vậy, thời gian chăn nuôi sẽ kéo dài, rủi ro cao. Những mâu thuẫn này làm cho các hộ chăn nuôi và chủ trang trại lợn hết sức đau đầu.

Nhưng "trong cái khó lại ló cái khôn", không ít nông dân ở thôn An Bình đã tìm được giải pháp phù hợp. Ông Phạm Văn Kiểu, chủ hộ chăn nuôi lợn tại thôn An Bình cho biết thông thường giá thức ăn chăn nuôi sẽ chiếm 2/3 giá thành sản xuất. Vì vậy, để khắc phục khó khăn hiện nay, người chăn nuôi phải tìm cách giảm chi phí thức ăn cho lợn hiệu quả nhất. “Trước đây, tôi chủ yếu cho lợn ăn thức ăn chăn nuôi dạng viên của các công ty sản xuất thức ăn. 3 tháng trở lại đây, tôi phải chuyển sang tự gia công thức ăn cho lợn. Kết quả bước đầu cũng khá khả quan”, ông Kiểu nói.

Theo ông Kiểu, tự gia công thức ăn cho lợn giúp người chăn nuôi có thể giảm chi phí đáng kể so với việc cho ăn cám dạng viên. Cụ thể, 1 kg lợn hơi nuôi bằng cám dạng viên sẽ mất khoảng 27.000 đồng; còn với thức ăn tự gia công người nuôi sẽ chỉ mất khoảng 21.000 đồng. Cộng tất cả chi phí như giống, thuốc thú y… thì giá thành của một kg lợn hơi sử dụng thức ăn tự gia công vào khoảng 26.000 đồng. Với giá lợn hơi trên thị trường hiện khoảng 27.000- 30.000 đồng/kg thì người nuôi sử dụng thức ăn tự gia công vẫn có chút ít lợi nhuận.

Ông Kiểu sản xuất thức ăn gia công dành cho lợn từ ngô, khô đậu, bột cá, men tiêu hóa… Các nguyên liệu này được pha trộn theo công thức cụ thể để tạo ra loại thức ăn hỗn hợp bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho con lợn phát triển, sức đề kháng cao. Hơn nữa, chất lượng thịt lợn khá an toàn.

Ông Ninh Văn Toàn cũng ở thôn An Bình, chủ trang trại quy mô hơn 100 con lợn lại căn cứ theo từng thời kỳ sinh trưởng khác nhau của con lợn để sử dụng các loại thức ăn. Thời kỳ đầu, khi lợn từ 15 - 40kg, ông Toàn sử dụng thức ăn thẳng dạng viên. Sau đó, ông mới chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn tự gia công. Phương pháp này cũng được khá nhiều hộ chăn nuôi ở đây áp dụng.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Mặc dù tự gia công thức ăn cho lợn đã và đang giúp các hộ chăn nuôi lợn ở thôn An Bình giảm chi phí chăn nuôi, nhưng đa số các chủ trang trại chỉ coi đây là giải pháp tạm thời để duy trì sản xuất. Trước đây trang trại của nhà ông Kiểu có khoảng 40 con lợn nái và hơn 500 con lợn hơi mỗi năm. Nay gia đình ông chỉ có hơn 200 con lợn hơi. Việc tái đàn chỉ dựa vào số lượng lợn con do đàn lợn nái sinh ra. “Với giá như hiện nay, tái đàn sẽ là một canh bạc đối với người chăn nuôi lợn. Nếu giá thịt lợn hơi trong thời gian tới không tăng thì người chăn nuôi sẽ vẫn phải chịu cảnh thua lỗ, không còn tiền để tiếp tục duy trì sản xuất”, ông Kiểu chia sẻ.

Giá lợn hơi chưa có dấu hiệu tăng, trong khi không ít trang trại vẫn còn đang trong tình trạng nợ đọng tiền của các đại lý thức ăn chăn nuôi. Vì vậy không ít hộ chăn nuôi chọn việc tái đàn, tiếp tục chăn nuôi với hy vọng có thể trả được số nợ đã vay. Vừa mới tái đàn hơn 70 con lợn để bán dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Văn Hợi ở thôn An Bình cho biết hiện nay gia đình anh còn nợ hơn 90 triệu đồng của các đại lý cám. Vì vậy, tái đàn là một quyết định khó khăn đối với anh. Bởi ngoài chi phí thức ăn, con giống... anh phải mất thời gian dài hơn mới có thể xuất bán lợn, kéo theo đó là nỗi lo về dịch bệnh, giá cả thị trường. “Trong chăn nuôi quan trọng nhất là thời điểm xuất bán, nếu giá cao thì có lãi, ngược lại nếu giá thấp như thời gian qua thì không có giải pháp nào có thể giúp người nuôi lợn tiếp tục tái đàn”, anh Hợi nói.

Tiếp tục tái đàn, duy trì sản xuất là mong muốn của hầu hết người chăn nuôi lợn hiện nay. Vì vậy, các cấp chính quyền, Nhà nước cần sớm có các giải pháp, chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn.

VŨ XUYÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự sản xuất thức ăn cho lợn để kiếm chút lãi