Từ sân đất nhỏ trong trường làng, giấc mơ bóng đá đã nhen nhóm trong nhiều thế hệ trẻ thơ, một số bạn đã chạm tới sân cỏ chuyên nghiệp. Và ở đó, có một ‘ông bầu’ rất đặc biệt.
Ký ức gõ cửa
Chiều cuối tuần, sân Trường Tiểu học xã Tứ Cường (Thanh Miện, Hải Dương) lặng gió, chỉ còn tiếng ve và ánh nắng như nhảy nhót trên nền đất mấp mô. Từ cổng trường, tiếng gọi trong trẻo vang lên tíu tít: “Ông ơi! Chúng cháu đến rồi”.
Ghé mặt qua ô cửa sổ phòng bảo vệ nhà trường, hai cậu nhóc An Phúc Nhật Hoàng và Trịnh Tiến Phong (cùng sinh năm 2015), tay ôm quả bóng cũ sờn, tiếp tục đồng thanh gọi ông Thoả.
Ông Phạm Văn Thỏa (72 tuổi) là nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Tứ Cường. Thấy lũ trẻ gọi, ông nở nụ cười tươi, đứng dậy như một phản xạ tự nhiên. Không vội đáp lời, ông cúi xuống góc phòng lôi ra chiếc túi đựng 3 quả bóng đã lộ rõ những vết trầy xước. Mấy mùa hè đã qua, những quả bóng ấy đã đem lại những buổi chiều tràn đầy niềm vui trên nền sân thể thao nhà trường.
Hai, ba… rồi nhiều đứa trẻ khác từ trong xóm, ngoài làng cũng bắt đầu háo hức tới sân. Ông Thoả vận bộ quần áo cũ, tay cầm còi “chỉ huy” lũ trẻ ra giữa sân đất khởi động.
Khoảng 15 phút, ông hướng dẫn chúng rèn một loạt kỹ thuật quen thuộc từ chuyền bóng, dắt bóng, phối hợp tam giác, qua người và sút bóng. Dưới sự hướng dẫn của ông, từng động tác với trái bóng của các em nhỏ trở nên bài bản, mượt mà chẳng khác mấy so với một buổi tập ở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp.
Dù đã nhiều tuổi nhưng ông Thoả vẫn nhanh nhẹn, chất giọng sang sảng, liên tục thúc giục các “học trò” làm lại động tác kỹ thuật mỗi khi các em thực hiện chưa chuẩn. Sau nửa giờ tập kỹ thuật, lũ trẻ chia thành 2 đội thi đấu đối kháng. Ông Thoả lặng lẽ đứng bên khung thành, gần như chẳng lúc nào rời mắt khỏi những bước chân của chúng trong sân.
Trầm ngâm một hồi, ông Thoả chia sẻ: “Cơ sở vật chất nay đã hiện đại nhiều so với trước nhưng nhà trường vẫn giữ lại một khoảng sân đất làm nơi cho các cháu học môn thể dục. Mùa hè đến, nơi này trở thành sân chơi bóng đá của lũ nhỏ trong xã. Tôi không nhớ bao thế hệ trẻ thơ đã cùng tôi chơi bóng ở cái sân này nhưng nó là một phần ký ức tuổi thơ tươi đẹp của tôi và cũng là nơi nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá cho lũ trẻ”.
Tuổi thơ ông Thỏa cũng lớn lên, được thoả niềm đam mê chơi bóng trên sân đất như thế. Thời gian đã cuốn theo nhiều thứ nhưng tâm trí ông chưa khi nào quên những buổi trưa hè cùng lũ bạn trốn ngủ ra sân đất đá bóng bằng quả bưởi chín già.
“Ngày ấy, chúng tôi lấy quả bưởi, rơm cuộn lại chơi với nhau mà sao vui đến thế. Lắm hôm mải chơi đến tận tối, bố mẹ phải đi tìm, bị phạt roi nhưng hôm sau lại đâu đóng đấy”, ông Thoả hồi tưởng.
Lớn lên, ông Thoả nhập ngũ, chơi bóng đá tốt nên được góp mặt trong thành phần đội tuyển bóng đá Quân khu 7, thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh. Ông và các đồng đội đã cùng nhau cống hiến cho khán giả không ít trận cầu nảy lửa, hấp dẫn.
Xuất ngũ, tình yêu bóng đá vẫn vẹn nguyên với ông Thoả dù lúc này phải làm nhiều việc để lo cho cuộc sống gia đình. Và rồi, cái duyên được tiếp xúc với trái bóng hằng ngày đã quay trở lại khi ông về làm nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Tứ Cường vào năm 2006.
Giờ ra chơi hay vào mỗi buổi chiều hè, những bước chạy của trẻ nhỏ trên sân đất với dép lê và quả bóng nhựa đã gợi lại cho ông Thoả về một miền ký ức tuổi thơ tươi đẹp. Rồi cũng từ đó, ông đã trở thành người hướng dẫn chơi bóng cho nhiều thế hệ trẻ nhỏ ở địa phương.
Ông Thoả tự bỏ tiền mua bóng da, trực tiếp truyền lửa đam mê cho lũ trẻ đến tận ngày nay. Thấy việc ông làm mang lại nhiều ý nghĩa, nhiều người đã tặng ông thêm vài trái bóng.
“Sân đất mấp mô, bóng dễ rách mà tụi nhỏ thì đâu chịu nghỉ. Thế nên, tôi và các cháu phải dùng tiết kiệm, hỏng thì khâu vá lại, bao giờ không đá được nữa mới mua quả mới”, ông Thoả nói.
Ông bầu sân đất
19 năm đã qua, sân đất ở Trường Tiểu học Thanh Miện vẫn thường xuyên sục sôi không khí bóng đá, nhất là mỗi buổi chiều mùa hè. Ông Thoả đã trở thành ông bầu, là người dẫn dắt đam mê cho không biết bao lứa học trò.
Nhiều năm nay, ông Thoả được giới chuyên môn làm công tác bóng đá biết đến bởi sự mát tay trong huấn luyện. Dưới sự chỉ dẫn của ông, phong trào bóng đá nhi đồng xã Tứ Cường liên tục dẫn đầu huyện Thanh Miện. Từ sân đất ấy, nhiều em đã được gọi vào đội tuyển bóng đá nhi đồng của huyện đi thi đấu cấp tỉnh rồi được tuyển vào các lứa U11, U13 của Hải Dương trước khi hiện thực hoá ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Có thể kể đến những cái tên từng là “học trò” của ông Thoả như: An Lâm Tới (Câu lạc bộ Thái Sơn Bắc) hay thủ môn Tuấn Anh, Vũ An Bảo Long; cầu thủ Xuân Minh, Văn Khánh đang khoác áo Thể Công Viettel…
Cái sân đất ấy đã trở thành nơi vui chơi lành mạnh, rèn luyện thể chất, tinh thần sảng khoái sau những buổi học, năm học căng thẳng. Đây còn là nơi ông Thoả giúp nhiều đứa trẻ vốn nhút nhát, ít nói trở nên mạnh dạn, tự tin thể hiện bản thân…
Anh Trịnh Xuân Hùng, phụ huynh của em Trịnh Tiến Phong hồ hởi: “Ông như một người thân ruột thịt, răn dạy cháu nhiều điều hay, lẽ phải. Từ ngày cháu tham gia đội bóng trở nên rắn rỏi, ý thức hơn trong học tập, sinh hoạt, không vòi vĩnh bố mẹ xem ti vi hay chơi điện tử”.
Bóng chiều dần tàn, lũ trẻ ở xã Tứ Cường cũng rời sân để trở về nhà. Trịnh Tiến Phong ra đến cổng vẫn cố ngoái lại bảo ông: “Ngày mai chúng con lại đến. Nghỉ hè rồi, ông cho chúng con đá bóng cả buổi sáng nhé. Con muốn trở thành cầu thủ nổi tiếng như anh Văn Thanh quê mình, muốn được khoác áo đội tuyển Việt Nam”.
Ông Thoả lặng lẽ nở nụ cười. Ông hiểu rằng thêm một mùa hè nữa, giấc mơ bóng đá trên sân đất ở vùng quê này lại bắt đầu.
VĂN TUẤN - TIẾN MẠNH