Từ ruộng hoang đến cánh đồng lớn

04/09/2015 10:21

Trong khi một số nơi nông dân muốn ly nông, ly hương, bỏ ruộng hoang thì lại có những nhà nông chấp nhận bỏ công, bỏ sức với ước mơ xây dựng cánh đồng mẫu lớn.


Đồng ruộng hồi sinh



Khu đồng hoang của thôn Phương Điếm (thị trấn Gia Lộc) nay đã được anh Nguyễn Kim Đấu trồng a-ti-sô và đỗ Đài Loan xuất khẩu


Gần chục mẫu ruộng bỏ hoang ở thôn Phương Điếm (thị trấn Gia Lộc) nay đã phủ một màu xanh mỡ màng của lúa, của đỗ. Dưới cái nắng oi ả chiều tháng 8, gần chục lao động đang thoăn thoắt cắm dóc, buộc dây chuẩn bị làm giàn cho hơn 4 mẫu đỗ Đài Loan vươn ngọn. Năm 2012, anh Nguyễn Kim Đấu ở thị trấn Gia Lộc đã nhận gần 10 mẫu ruộng bỏ hoang này để canh tác. Anh Đấu nhớ lại: "Ngày nhận ruộng, nhìn cả cánh đồng chỉ ngút ngàn cỏ lau, cỏ lác, không ít người khuyên tôi nên dừng lại. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được. Tôi thuê máy cày, máy xúc xới xáo lại đất, đắp lại kênh mương thủy lợi... Sau gần 2 tháng, mảnh đất hoang đã trở thành những ô thửa vuông vức". Vì đất đai lâu ngày không được cải tạo, khô cằn nên anh Đấu quyết định dành phần lớn diện tích để trồng cây a-ti-sô. Mặc dù là cây trồng mới nhưng do hợp đất nên cây a-ti-sô phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cánh đồng hoang ngày nào nay đã hồi sinh, đem lại no ấm không chỉ riêng cho gia đình anh Đấu mà còn nhiều nông dân khác. Bởi hiện nay, ngoài lao động trong nhà, anh Đấu còn thuê thêm 10 lao động địa phương với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, ngoài trồng a-ti-sô, anh Đấu còn trồng thêm gần 4 mẫu đỗ Đài Loan. Doanh nghiệp Đài Loan cũng đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ đỗ tươi với giá ổn định.


Anh Đinh Văn Bắc được người dân thôn Dương Xuân, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) gọi là "nông dân dũng cảm" vì anh dám nhận những thửa ruộng hoang ở cánh đồng Quao để canh tác. Cánh đồng Quao vốn xa khu dân cư, đường đi cách trở, lại thường xuyên bị chuột phá hại nên nhiều nông dân bỏ ruộng. Khi tôi đề nghị ra thăm khu đồng anh Bắc đã khai hoang, anh hỏi: "Nhà báo có biết bơi không?". Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh cười giải thích: "Muốn sang đồng phải đi thuyền qua một con kênh nhỏ. Đường đi lại khó khăn như vậy nhưng tiếc ruộng nên tôi vẫn nhận cấy". Đến đồng Quao, anh Bắc giới thiệu vanh vách kỹ thuật canh tác những giống lúa mà anh đang gieo cấy. Anh bảo: "Năm nay, nhiều nắng nên lúa Bắc thơm số 7 chẳng chịu đẻ nhánh, có chăm tốt mấy cũng không bằng năm ngoái. Vậy mà, giống Thiên ưu 8 cứ lên vù vù. Đồng đất này hợp với giống BC 15 và Thiên ưu 8 hơn Bắc thơm số 7". Cánh đồng Quao vốn là của các hộ dân ở xóm Tiền Phong nhưng vì từ nhà ra ruộng cách xa gần 4 cây số, đường ra đồng vẫn là đường đất nên nông dân ngại cấy bỏ ruộng. Từ ngày anh Bắc nhận cấy, cánh đồng này bớt chuột phá hại. "Anh Bắc chăm sóc lúa cẩn thận, dự đoán được thời điểm phun thuốc sâu, biết cách sử dụng các loại phân bón phù hợp để lúa vừa phát triển tốt vừa tiết kiệm nên ít sâu bệnh, chuột bớt phá hại, năng suất cao. Vụ này, tôi học theo anh Bắc cấy giống Thiên ưu 8 ít bị sâu bệnh, tiết kiệm chi phí nên tôi không còn ý định bỏ ruộng", ông Nguyễn Văn Hữu ở thôn Tiền Phong đang bơm nước vào ruộng gần khu đồng của anh Bắc nói.



Anh Đinh Văn Bắc ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà) nhận hơn 3 mẫu ruộng hoang để cấy lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa năm nay tình trạng bỏ hoang đất trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Ngoài nguyên nhân do các địa phương đã phát huy hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố kênh mương, bê tông hóa đường ra đồng, còn do xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đứng ra nhận ruộng hoang để canh tác. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Các tổ chức, cá nhân nhận ruộng hoang để canh tác không chỉ giúp mảnh đất đồi hồi sinh mà còn giúp nhiều người thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất chuyên nghiệp".

Giấc mơ ruộng lớn


 "Đất đai là tài sản vô giá, chỉ có điều nhiều người không biết tận dụng để làm giàu mà thôi", anh Cao Văn Lâm, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) đã nói như vậy khi chúng tôi có dịp về thăm mô hình sản xuất mạ khay. Áp dụng cơ giới đồng bộ, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất là điều kiện tiên quyết giúp nông dân thắng lớn trên những mảnh đất hoang. Hơn 14 mẫu ruộng ở cánh đồng Con Cá, thôn Vũ Xá bị bỏ hoang ngày nào nay anh Lâm đem cấy toàn giống  Bắc thơm số 7 theo mô hình 3 chung "một vùng, một giống, một thời gian". Anh Lâm bảo: "Nông dân phải được tích tụ ruộng đất để canh tác. Nếu không có cánh đồng lớn thì rất khó áp dụng máy móc và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập. Nhiều người sẵn sàng trả các khoản dịch vụ để tôi giữ ruộng nhưng nếu không liền mảnh, không là những cánh đồng lớn thì tôi cũng chịu".

Còn với anh Nguyễn Kim Đấu, thời gian tới, anh muốn liên kết với nhiều hộ dân khác trên cùng một cánh đồng để xây dựng "cánh đồng mẫu lớn". Nơi đó, anh sẽ cùng nông dân làm nhà lưới, đưa cây trồng mới vào đồng ruộng và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Nông dân sẽ không phải nơm nớp lo "mất mùa được giá". Cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp anh Đấu cũng như nhiều nông dân khác làm giàu bằng nghề nông. "Ước mơ lớn, việc cần làm còn nhiều, tôi mong muốn thời gian tới nhận được sự ủng hộ của gia đình, chính quyền địa phương hỗ trợ để ý tưởng làm cánh đồng rau màu lớn thành hiện thực", anh Đấu nói.

Trong những nông dân mạnh dạn nhận đất bỏ hoang để canh tác mà tôi gặp đa phần họ đều có chung một mơ ước làm giàu từ nông nghiệp, tìm hướng mưu sinh ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình. Quả thật, để có thể làm giàu từ nghề nông không dễ nhưng với lòng quyết tâm, cần cù, sáng tạo và giúp sức của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, ước mơ của họ sẽ sớm thành hiện thực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua dồn điền, đổi thửa, đầu tư kiên cố hóa kênh mương và làm đường nội đồng bằng bê-tông đã tạo thuận lợi cho sản xuất, hạn chế nông dân bỏ đất hoang. Một số xã đã khuyến khích người dân đưa các giống mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng vào sản xuất để nâng cao năng suất và giá trị nông sản. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân đã đứng ra nhận, thuê ruộng hoang để canh tác, góp phần giúp diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trong toàn tỉnh giảm 21 ha so với năm ngoái. Vụ xuân vừa qua, 3 huyện Nam Sách, Kim Thành, Ninh Giang đã không còn diện tích đất bỏ hoang.


LAN ANH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ruộng hoang đến cánh đồng lớn