Tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch

30/04/2011 08:15

Từ khi Nhà máy nước sạch do doanh nghiệp tư nhân Nam Khương đầu tư xây dựng đi vào hoạt động, nhân dân xã Bình Dân (Kim Thành) không còn cảnh phải sử dụng nước giếng ô nhiễm...


Nhà máy nước tư nhân Thành Đạt do tư nhân đầu tư xây dựng

Chị Nguyễn Thị Liễu ở thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân (Kim Thành) vừa nhanh tay rửa rau để chuẩn bị nấu bữa trưa vừa hồ hởi: “Nước vừa sạch, vừa chảy mạnh thế này cơ mà. Chẳng bù cho trước kia, để sử dụng được nước giếng khơi, tôi phải dùng máy bơm nước lên bể đặt trên tầng 3, sau đó qua vài lần lọc mới dám sử dụng. Thế mà chất lượng nước vẫn không bảo đảm, vẫn có mùi tanh, để một lát sẽ chuyển sang màu vàng. Gia đình chỉ dám dùng để tắm giặt, vệ sinh... còn việc ăn uống vẫn phải sử dụng nước mưa. Mọi người thường xuyên bị dị ứng, mẩn ngứa do nước bẩn. Quần áo, thau chậu thường xuyên bị ố vàng, xỉn màu”. Mong ước lớn nhất của gia đình chị là có được nước sạch để sử dụng. Thời gian trước Tết, chị đã liên hệ với Trạm cấp nước xã Đồng Gia. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt quá cao. Tháng 3 vừa qua, khi Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương lắp đặt đường ống nước sạch về tận nhà, với chi phí hợp lý, vợ chồng chị quyết định lắp đặt đường ống mua nước sạch. Bây giờ, nước có thể lên tận tầng 3, tiện lợi hơn trước rất nhiều.

Ông Đồng Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết: Đã có nhiều đoàn khoa học về khảo sát chất lượng nước ở xã Bình Dân, xã Kim Đính và một số xã lân cận. Theo đánh giá, nước giếng khoan của người dân từ độ sâu 10 m trở xuống đều bị nhiễm mặn nặng. Còn nước giếng khơi đều bị nhiễm sắt. Người dân sử dụng phải qua rất nhiều công đoạn lọc nhưng chất lượng nước vẫn không bảo đảm. Hầu hết các gia đình cũng phải xây từ 1 - 2 bể nước mưa, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu. Các ao hồ trong các khu dân cư đã bị ô nhiễm. Nước sạch cho dân là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Vì thế, khi Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương có ý định lắp đặt đường ống dẫn nước sạch cung cấp cho dân, chính quyền ủng hộ và tạo mọi điều kiện để công việc được triển khai một cách nhanh chóng.

Trong khi ở nhiều nơi nhà máy nước sạch do Nhà nước đầu tư xây xong rồi "đắp chiếu" thì ở Kim Thành lại có người bỏ tiền xây nhà máy nước sạch. Đó là anh Nguyễn Hồng Nam, chủ Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương ở xã Kim Đính. Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến quyết định táo bạo này, anh Nam bộc bạch: “Xuất phát từ thực trạng nguồn nước cho sinh hoạt của gia đình tôi không bảo đảm chất lượng, nhu cầu có nguồn nước sạch để sử dụng của gia đình và mọi người xung quanh rất lớn, nhưng chưa được đáp ứng. Mặc dù không có chuyên môn về ngành nước, nhưng tôi cũng mạnh dạn vay vốn xây dựng nhà máy nước sạch để cung cấp cho người dân”. Đây quả là quyết định táo bạo vì tâm lý, tập quán của người dân ở đây chưa quen với việc mua nước sạch để dùng. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào nhà máy khá lớn, thời gian hoàn vốn dài. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, cộng với sự ủng hộ của gia đình và chính quyền địa phương, anh Nam vẫn quyết định đầu tư xây dựng nhà máy, mà theo anh là quyết định “quan trọng nhất” từ trước tới nay của mình.


Người dân các xã Kim Đính, Bình Dân đã được dùng nước sạch

Ngày 16 - 3 - 2010, nhà máy được khởi công xây dựng trên khuôn viên 6.000m2, với tổng vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng. Những khó khăn vất vả ban đầu tưởng chừng không vượt qua nổi, song với quyết tâm cao, đến tháng 10 - 2010, nhà máy nước sạch tư nhân đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành. Nhà máy sử dụng công nghệ lọc nước ngược, khử trùng bằng Cloramin B, với 3 máy bơm đẩy, áp lực nước khá lớn. Theo thiết kế, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 1.000m3 nước sạch/ngày đêm và có thể tăng lên 2.000m3/ngày đêm. Từ ngày 27-1-2011, nhà máy đã bắt đầu cung cấp nước cho người dân các thôn trong xã Kim Đính. Từ tháng 3 - 2011, nhà máy nước Thành Đạt tiếp tục triển khai đường ống cấp nước cho người dân trong xã Bình Dân ven trục đường 388. Đến hết tháng 3 - 2011, đã có gần 1.000 hộ dân ở hai xã được sử dụng nước sạch. Về kinh phí lắp đặt, anh Nam cho biết: "Mỗi hộ nộp cho nhà máy 2,3 triệu đồng. Thời gian đầu, cũng có một số người cho rằng kinh phí quá cao. Nhưng thực tế, số tiền mua các thiết bị như ống dẫn, hộp đồng hồ... đã hết 1,3 triệu đồng. Số tiền còn lại để người dân cùng với doanh nghiệp có trách nhiệm bảo quản đường ống và các thiết bị đi kèm". Để khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, doanh nghiệp chủ trương "dùng càng nhiều giá càng giảm": sử dụng từ 1-10m3 giá 5.500 đồng/m3, sử dụng từ 11m3-15m3 giá 5.000 đồng/m3 và từ 16m3 giá 4.500 đồng/m3. Ngoài ra, mỗi ngày doanh nghiệp còn cung cấp khoảng 60m3 nước sạch bằng xe bồn để đáp ứng nhu cầu của người dân một số xã lân cận.

Anh Nguyễn Hồng Nam cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vốn. Do kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm nên các ngân hàng hạn chế cho vay. Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp cũng eo hẹp nên nhiều hạng mục của công trình phải chậm tiến độ. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại, nâng cao chất lượng phục vụ, huy động vốn để nhanh chóng hoàn thiện đường ống đưa nước tới nhiều gia đình hơn.

VỊ THUỶ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch