Tưởng Giới Thạch từng có ý định tấn công đại lục

01/07/2013 15:51

Những tiết lộ gần đây cho thấy Tưởng Giới Thạch từng có ý định tấn công đại lục để "phục hận" nếu Mỹ không can ngăn...


Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, ngày 10-12-1949, Tưởng Giới Thạch, người cầm đầu Quốc dân đảng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên máy bay rời Thành Đô chạy ra đảo Đài Loan. Những tiết lộ gần đây cho thấy Tưởng Giới Thạch từng có ý định tấn công đại lục để "phục hận" nếu Mỹ không can ngăn.




Tưởng Giới Thạch từng ấp ủ ý định đánh chiếm đại lục vào năm 1962

Không thuyết phục được Kennedy

Năm 1960, trong lúc tranh luận với đối thủ Richard Nixon (Ri-chát Ních-xơn) suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, John Kennedy (Giôn Ken-nơ-đi) chủ trương để Tưởng Giới Thạch bỏ quần đảo Kim Môn và Mã Tổ. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền vào tháng 1-1961, J. Kennedy tỏ thái độ thận trọng, thường xuyên đau đầu suy nghĩ hai vấn đề: liệu có nên công nhận và để nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào Liên hợp quốc hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là J. Kennedy quyết không để Tưởng Giới Thạch vượt biển, phản công đại lục.

J. Kennedy cho rằng, việc Tưởng Giới Thạch sử dụng vũ lực tấn công đại lục không chỉ gây ra sự mất ổn định ở châu Á cũng như trên toàn thế giới, mà còn dẫn tới xung đột quân sự giữa phương Đông và phương Tây. Hơn nữa, J. Kennedy không tin Tưởng Giới Thạch sẽ đánh thắng đại lục cũng như việc người dân đại lục sẽ ủng hộ hành động của Tưởng Giới Thạch. Quan trọng hơn là về căn bản, Washington (Oa-sinh-tơn) không muốn bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
J. Kennedy biết rất rõ Tưởng Giới Thạch rất muốn phản công đại lục. Tháng 4-1961, Tưởng Giới Thạch đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt để vạch kế hoạch phản công đại lục (kế hoạch Quốc Quang). Cựu Tổng tư lệnh lục quân Đài Loan, người được chỉ định làm Tổng tư lệnh liên quân phản công đại lục, ông Lưu An Kỳ gần đây tiết lộ, Tưởng Giới Thạch quyết định sẽ phản công đại lục vào năm 1962. Ý đồ này được Tưởng Giới Thạch biểu thị một cách mãnh liệt trong những cuộc tiếp các "bạn" Mỹ và đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách cánh hữu ở Mỹ. Khi đó Đài Bắc thuyết phục các quan chức Mỹ rằng một khi quân Quốc dân đảng đổ bộ lên khu vực duyên hải của đại lục, đồng bào đại lục nhất định sẽ đứng lên tham gia khởi nghĩa, tạo thế "trong ứng ngoài hợp". Tuy nhiên, vấn đề là Nhà Trắng hoàn toàn không tin những lời du thuyết đó.

Ngày 8-3-1962, nhân thời gian tham dự hội nghị các đặc sứ Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Philippines (Phi-líp-pin), Heathman (Hét-man), Chủ nhiệm Văn phòng tình báo và nghiên cứu Chính phủ Mỹ đã tranh thủ bay sang Đài Bắc gặp Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Trong khi hội đàm, Tưởng Kinh Quốc đã dẫn ra rất nhiều thông tin tình báo lấy từ vùng địch hậu (đại lục) để lý giải nguyên nhân Đài Loan chọn năm 1962 mở màn chiến dịch phản công. Đáp lại, Heathman cho rằng, việc phản công đại lục không chỉ đơn thuần như những gì Tưởng Kinh Quốc phán đoán. Ngày 14-3, Heathman và Trợ lý quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Viễn Đông của Mỹ Harriman (Ha-ri-man) thăm Đài Loan, tấn kiến Tưởng Giới Thạch và đã thẳng thừng bày tỏ sự phản đối với kế hoạch phản công đại lục của chính quyền Đài Bắc. Không nhụt chí, Tưởng Giới Thạch vẫn kiên trì du thuyết người Mỹ. Chỉ huy trưởng Tổ tình báo CIA tại Đài Bắc Kellen (Ken-len) cũng nói hộ cho Tưởng gia, nhưng vấn đề là ông chủ Nhà Trắng J. Kennedy vẫn không thay đổi chủ ý. Các nhà phân tích khi đó cho rằng, thất bại trong sự kiện Vịnh Con lợn đã khiến J. Kennedy không thể mạo hiểm thêm một lần nữa.

Năm tháng cuối đời của Tưởng Giới Thạch


Tới Đài Loan, Tưởng Giới Thạch cùng gia đình sống tại Dinh Sĩ Lâm, TP Đài Bắc. Thực ra đây là quần thể phủ đệ gia tộc Tưởng bao gồm cả núi Dương Minh và “Dinh Thất Hải” mà Dinh Sĩ Lâm là trung tâm. Tại đây, có hệ thống bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, bố trí quân đội đặc biệt tinh nhuệ, trung thành nhất và vòng ngoài có 1 tiểu đoàn hiến binh phản ứng nhanh.


Dinh thự vợ chồng Tưởng Giới Thạch từng sinh sống


Cuộc sống hằng ngày của Tưởng Giới Thạch và Tưởng gia hoàn toàn cách ly với bên ngoài. Ngày nào cũng như ngày nào, khi chân trời phía đông vừa hửng sáng, Tưởng Giới Thạch lặng lẽ nhỏm dậy, rón rén bước vào gian vệ sinh, đánh răng rửa mặt cho tỉnh táo. Ông ta làm như vậy để tránh làm kinh động giấc mộng vàng của “Đệ nhất phu nhân” Tống Mỹ Linh. Sau đó, theo thói quen, Tưởng Giới Thạch uống 2 cốc nước nóng. Ông ta làm động tác “thái cực quyền”, cầu nguyện buổi sáng. Sau đó ông ta viết nhật ký hoặc xem các bản tin nhanh do thư ký riêng mang tới.

Tháng 7-1969 là tháng đầy biến cố với Tưởng Giới Thạch. Đã thành lệ, mỗi năm cứ tới tháng 7, vợ chồng Tưởng Giới Thạch lại rời Dinh Sĩ Lâm tới Dinh Dương Minh trong núi để tránh nóng. Nhằm bảo đảm an ninh tuyệt đối, dọc đường cao tốc dẫn tới núi Dương Minh mang tên “Đại lộ Ngưỡng Đức” được bố trí lính cảnh vệ vũ trang tới tuần tra, canh gác nghiêm ngặt. Con đường đặc biệt này do chính quyền TP Đài Bắc và Cục quản lý núi Dương Minh liên kết bỏ kinh phí đầu tư xây dựng. Ngoài thế núi hiểm trở rất khó cải tạo nắn thẳng, hạ thấp độ cao ra, thì đây được coi là tuyến đường cao cấp nhất phía ngoài thủ phủ Đài Bắc.

Vào một buổi chiều trời quang mây tạnh, khi đoàn xe của Tưởng Giới Thạch nối đuôi nhau lao tới một khúc cua dưới chân đèo trên xa lộ Ngưỡng Đức, tài xế chiếc xe dẫn đường nhìn thấy phía trước có một chiếc xe bus đang dừng bên đường đúng trạm đón trả khách đã chủ động giảm tốc độ. Vừa lúc ấy, bỗng có một chiếc xe jeep phóng với tốc độ cực nhanh từ phía sau chiếc xe khách vọt ra lao thẳng tới. Rõ ràng là bị chiếc xe khách che khuất nên tài xế chiếc xe jeep không biết có đoàn xe của Tưởng Giới Thạch đang xuống dốc. Nhằm tránh đâm trực diện vào chiếc xe jeep, tài xế chiếc xe dẫn đường vội đạp phanh khẩn cấp, khựng lại. Trong chớp mắt, chiếc xe chở Tưởng Giới Thạch tiếp ngay phía sau không kịp phản ứng, đâm sầm vào đuôi chiếc xe dẫn đường. Theo quán tính, toàn thân Tưởng Giới Thạch lao về phía trước, đập cực mạnh vào tấm pha-lê dày ngăn cách. Phần ngực Tưởng Giới Thạch bị chấn thương rất nặng, cả 2 hàm răng giả bật khỏi miệng. Phu nhân Tống Mỹ Linh ngồi bên trái Tưởng Giới Thạch cũng va mạnh vào tấm pha-lê ngăn cách. Bà ta hét lên đau đớn.

Vợ chồng Tưởng Giới Thạch được chở ngay tới bệnh viện cấp cứu. Qua kiểm tra, bác sĩ cho hay phần ngực của Tưởng Giới Thạch bị chấn thương nghiêm trọng nhất, tim có triệu chứng phình to, đây là nguyên nhân dẫn tới sức khỏe của ông ta về sau bị sa sút rất nhiều.

Bước vào thập niên 70, bệnh tình của Tưởng Giới Thạch tăng nặng. Tình trạng sức khỏe của ông ta hiện rõ trên khuôn mặt tiều tụy và hõm mắt trũng sâu. Mọi cử động của Tưởng Giới Thạch cũng ngày càng khó khăn hơn, nhất là cơ tay phải bị teo tới mức cầm bút viết chữ cũng rất khó khăn. Trong tình trạng như vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, ông ta buộc phải vào Bệnh viện Vinh Dân Đài Bắc điều trị lâu dài. Tuy nhiên, để giữ bí mật tuyệt đối tình trạng “tim đập chân run”, Tưởng Giới Thạch vẫn phải miễn cưỡng xuất hiện trước công chúng tới 4 lần. Ngày 23-11-1974, Tưởng Giới Thạch rời Bệnh viện Vinh Dân quay về Dinh Sĩ Lâm để điều trị ngoại trú. Tại đây, Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh cùng nhau mừng lễ Giáng sinh cuối cùng trong đời. Tháng 3-1975, bất chấp sự phản đối của nhóm bác sĩ điều trị cho Tưởng Giới Thạch, theo mách bảo của bạn bè, Tống Mỹ Linh đã mời một bác sĩ danh tiếng từ Mỹ sang chữa chạy cho chồng. Vị bác sĩ Mỹ này đề nghị tiến hành “phẫu thuật nội soi phổi”. Việc này vấp phải sự phản đối quyết liệt của tổ bác sĩ điều trị, nhưng tưởng phu nhân vẫn quyết định cho phẫu thuật. "Thôi, cứ quyết định vậy đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”, bà Tống Mỹ Linh nói. Ca phẫu thuật nội soi có thể được coi là thành công mỹ mãn. Nhưng mọi người chưa kịp vui  mừng thì các di chứng hậu phẫu liên tiếp xảy ra. Tưởng Giới Thạch luôn hôn mê bất tỉnh, sốt cao. Cả tổ bác sĩ điều trị đều quýnh quáng tìm cách chữa trị nhưng triệu chứng sốt cao vẫn không thuyên giảm, lại thêm đại tiểu tiện ra máu. Nguy hiểm hơn nữa là tần suất tim của Tưởng Giới Thạch đột ngột ngừng đập ngày một cao.

Sáng 5-4-1975, bệnh tình của Tưởng Giới Thạch nguy kịch hơn. Sang buổi chiều, chân tay Tưởng Giới Thạch bắt đầu buồn bực. 20 giờ 55, bác sĩ cho Tưởng Giới Thạch uống mấy viên vi-ta-min. Chỉ loáng sau bác sĩ tá hỏa khi nhìn lên màn hình điện tâm đồ thấy một vạch trắng thẳng kéo dài bất tận... Mọi sự cấp cứu đều đã quá muộn.

LINH PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tưởng Giới Thạch từng có ý định tấn công đại lục