Một số diện tích lúa Q5, Khang dân 18... gieo mạ sớm trước lịch 20-30 trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã bắt đầu phân hoá đòng, nhiều khả năngsẽ trỗ vào thời điểm bất lợi nhất về thời tiết, ảnh hưởng tới năngsuất.
Toàn bộ diện tích lúa chiêm xuân trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ; lúa lai sinh trưởng, phát triển và đẻ nhánh khoẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt rét giữa tháng 2, một số diện tích lúa có hiện tượng vàng lá, táp lá gốc; một số diện tích lúa Q5, Khang dân 18... gieo mạ sớm trước lịch 20-30 ngày ở các xã Hà Thanh, Hà Kỳ đã bắt đầu phân hoá đòng, nhiều khả năng sẽ trỗ vào thời điểm bất lợi nhất về thời tiết, ảnh hưởng tới năng suất. Các đối tượng sâu, bệnh như: rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh cũng đã xuất hiện; bọ trĩ, chuột đang gây hại ở những diện tích lúa gieo vãi và cấy sau.
Trước tình hình trên, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và ngành chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân bón thúc ngay cho các diện tích lúa chưa được bón thúc để cây lúa đẻ nhánh tập trung. Đối với những diện tích lúa cấy sớm và đang có hiện tượng phân hoá đòng, tiến hành bón bổ sung từ 10 đến 15% lượng đạm và ka-li để lúa bổ sung dinh dưỡng nuôi các dảnh còn lại và kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa. Chủ động điều tiết nước, tạo điều kiện để cây lúa đẻ nhánh tốt; bón thêm vôi bột và phân chuồng ủ mục đối với những ruộng nhiễm chua. Thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng, trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh, dịch hại như: bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ, ốc bươu vàng, chuột...
TIẾN MẠNH