Tứ Kỳ là một trong những vùng quê hội tụ và phát triển khá đầy đủ vốn truyền thống văn hoá dân gian, trong đó nổi bật nhất có loại hình nghệ thuật chèo.
Đội chèo thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ thường xuyên luyện tập
Gắn liền với nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng, Tứ Kỳ là một trong những vùng quê hội tụ và phát triển khá đầy đủ vốn truyền thống văn hoá dân gian, trong đó nổi bật nhất có loại hình nghệ thuật chèo. Ngày nay, nghệ thuật chèo vẫn được các địa phương trong huyện đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển.
Hiện nay ở Tứ Kỳ, nhiều thôn, khu dân cư (KDC) có đội chèo hoạt động lâu đời. Cụ Nguyễn Tiên Đệ (81 tuổi), một thành viên đội chèo thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ kể: Không biết đội chèo thôn Nghi Khê được thành lập từ khi nào, nhưng thuở thiếu thời tôi vẫn hay được mẹ cho đi xem đội chèo của thôn biểu diễn. 18 tuổi, cụ Đệ đã tham gia đội chèo của thôn. Ngày đó, đội chèo có đến vài chục người, đủ già, trẻ, gái, trai. Mặc dù trong thời bom rơi, đạn nổ song các thành viên ai cũng hăng hái, nhiệt tình tham gia. Sau ngày đất nước giải phóng, đội chèo thôn Nghi Khê có điều kiện phát triển, kết nạp thêm nhiều thành viên mới, có thời điểm lên tới hơn 40 người. Từ chỗ biểu diễn các làn điệu chèo cổ, đội bắt đầu sưu tầm, sáng tác làn điệu, hoạt cảnh chèo mới, phản ánh sinh động đời sống hiện tại. Hiện nay, đội chèo thôn Nghi Khê có gần 20 thành viên, trong đó có 8 nữ, cụ Đệ là người cao tuổi nhất, thành viên trẻ nhất cũng 47 tuổi đều là những người có niềm đam mê nghệ thuật chèo. Đội được thôn đầu tư mua sắm đầy đủ trang phục và nhạc cụ, gồm: trống cơm, mõ, thanh la, đàn 3 dây, nhị nam, nhị nữ, sáo... Mỗi tuần, đội duy trì sinh hoạt, luyện tập đều đặn 2 buổi tại nhà văn hóa thôn. Mỗi năm, đội xây dựng được 2-3 vở chèo. Nhiều vở chèo do các thành viên tự sáng tác, biểu diễn đã trở nên quen thuộc với nhân dân địa phương như: "Tân Kỳ đổi mới", "Tấm cám", "Nhập ngũ", "Mùa hoa bưởi", "Hương thiên lý"... Không chỉ biểu diễn dịp lễ, Tết, đội còn mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các đội văn nghệ trong và ngoài huyện; nhiều lần tham gia hội diễn cấp huyện và cấp tỉnh đoạt giải cao. Bác Nguyễn Thị Minh, 60 tuổi, thành viên của đội cho biết: "Đến nay vừa tròn 15 năm tôi tham gia đội chèo của thôn. Đây không chỉ là nơi giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê hát chèo mà còn giúp tôi sống vui, sống khỏe. Tôi đang động viên con dâu cùng tham gia". Bác Nguyễn Đăng Toản, đội trưởng đội chèo thôn Nghi Khê nói: "Thật mừng vì nghệ thuật chèo được lãnh đạo địa phương rất quan tâm gìn giữ".
Minh Đức cũng là xã tiêu biểu làm tốt việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật chèo. Ông Đào Văn Thống, Trưởng ban Văn hóa xã Minh Đức cho biết, toàn xã hiện có 4 đội chèo gồm: Quàn, Phúc Lâm, Cự Lộc, Mép, mỗi đội có 20 thành viên. Đội chèo thôn Phúc Lâm có truyền thống lâu đời nhất và được UBND xã Minh Đức ra quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) từ cuối năm 2009, giao cho Hội Nông dân xã phụ trách. Tất cả thành viên CLB chèo thôn Phúc Lâm là nông dân, tuổi đời từ 40 - 75 và cùng có chung niềm say mê, yêu thích nghệ thuật hát chèo. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần. Bên cạnh việc thường xuyên luyện tập những làn điệu chèo truyền thống, các thành viên trong CLB còn tự biên, tự diễn khá nhiều hoạt cảnh chèo hay, trong số đó có vở "Chuyện tình người thương binh" từng 2 lần giành giải A tại Liên hoan các làng văn hóa cấp tỉnh các năm 1997, 2006. Không chỉ biểu diễn dịp lễ, Tết, CLB chèo thôn Phúc Lâm còn thường xuyên giao lưu với đội chèo các xã trong và ngoài huyện. Qua đó, góp phần tăng cường mối đoàn kết, giúp các thành viên có điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Những năm qua, xã Minh Đức có khá nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng phát triển, trong đó giải pháp chính là tăng cường xã hội hóa. Cuối năm 2011, xã được huyện, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh hỗ trợ tổ chức lớp hát chèo thu hút 39 người tham dự, trong đó 2/3 số học viên có độ tuổi từ 40 trở xuống. Các học viên sau đào tạo đã trở thành những hạt nhân nòng cốt trong việc duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật chèo tại địa phương.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tứ Kỳ cho biết, những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện không ngừng được nâng cao; phong trào xây dựng làng, KDC văn hóa diễn ra sôi nổi đã tạo điều kiện để phong trào văn nghệ, trong đó có loại hình nghệ thuật chèo phát triển. Chèo gần như không thể thiếu trong các chương trình liên hoan văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân hoặc tại các lễ hội làng, hội chùa, đón bằng làng văn hóa, chúc thọ đầu xuân... thu hút đông đảo người dân xem và cổ vũ. Hiện nay, 100% số làng, KDC trong huyện đều có đội văn nghệ (chủ yếu biểu diễn hát chèo). Hằng năm, vào dịp 30-4, 1-5, huyện tổ chức hội diễn liên hoan văn nghệ các làng văn hóa để các đội có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Huyện còn phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh mở được 6 lớp hát chèo tại một số xã có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, như: Ngọc Sơn, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Minh Đức, Dân Chủ, Tiên Động, thu hút hàng trăm học viên tham dự. Năm 2012 này, huyện dự kiến sẽ phối hợp tổ chức một số lớp dạy hát chèo tại các trường THCS trên địa bàn, giúp các em học sinh tiếp cận với nghệ thuật hát chèo, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
TIẾN MẠNH