Như vậy là 4 cặp đấu tứ kết World Cup 2018 đã được xác định. Chúng ta cùng xem cơ hội đi tiếp của các đội thế nào và ai là ứng viên vô địch số 1?
1. Pháp – Uruguay: Hiểm họa khó lường
Đây là cặp đấu không dễ đoán với một đội gây ấn tượng về sức mạnh tấn công (Pháp), đội kia cho thấy khả năng tổ chức phòng ngự chặt chẽ và rất biết cách chớp thời cơ làm nên chuyện (Uruguay).
Pháp thắng Australia và Peru nhưng hai đội đó hoặc là còn quá non kinh nghiệm hoặc là đá kiểu ngẫu hứng với tính tổ chức quá thấp. Pháp hòa Đan Mạch trong một trận đấu mà đội nào cũng tính giữ chân trụ cột và không nỗ lực nhiều. Pháp thắng Argentina ở vòng 1/8 nhưng đấy là một Argentina không biết cách tổ chức phòng ngự.
Uruguay có khác. Ít ra họ thắng thuyết phục chủ nhà Nga ở vòng bảng và sau đó vượt qua một Bồ Đào Nha nhiều kinh nghiệm ở vòng 1/8. Họ kiểm soát tốt Ronaldo và biết tận dụng thời cơ để hạ gục đối phương.
Chất lượng cầu thủ của Pháp là không phải bàn cãi, đặc biệt là hai tuyến trên nhưng lối chơi phòng ngự của Pháp cảm giác vẫn có vấn đề dù họ sở hữu tiền vệ thủ hàng đầu thế giới hiện tại là N’Golo Kante.
Liệu khả năng sáng tạo của Pogba cùng tốc độ và nhạy cảm săn bàn của Mbappe có đủ giúp Pháp vượt qua một Uruguay được tổ chức rất tốt hay không? Liệu hàng thủ của Pháp có kiểm soát được cặp đôi Cavani – Suarez của Uruguay? Chúng ta phải chờ xem.
Có thể chờ đợi một trận đấu khó khăn cho cả Griezmann lẫn Mbappe. Người đầu tiên sẽ phải đối đầu với đồng đội ở Atletico Madrid chắc chắn hiểu anh quá rõ là Diego Godin. Người thứ 2 cần khoảng trống để phát huy thế mạnh tốc độ nhưng có rất ít khả năng là Uruguay để cho Mbappe có nhiều không gian chơi bóng ở những vị trí nhạy cảm mà nếu không có khoảng trống lớn thì ngay cả Mbappe cũng sẽ gặp khó khăn.
Về cá nhân, Pháp gây ấn tượng hơn một chút. Về tập thể, Uruguay dường như tỏ ra đáng tin cậy hơn. Một cặp đấu cân bằng với cơ hội đi tiếp chia đều cho hai đội?
2. Brazil – Bỉ: Không thể cản Brazil!
Bóng đá luôn có bất ngờ nhưng Brazil của Tite khiến người ta có cảm giác bất ngờ không tồn tại khi họ xuất hiện. Selecao hội tụ quá nhiều phẩm chất khiến họ không chỉ được đánh giá là đội chắc thắng hơn Bỉ trong cuộc đấu tay đôi ở tứ kết mà còn biến họ thành ứng viên vô địch số 1 tại World Cup này. Đấy là một đội bóng chơi sáng tạo, kỹ thuật và ngẫu hứng cũng được mà đá thực dụng, chắc chắn cũng tốt. Đá tấn công cũng hay mà phản công cũng sắc.
Các vị trí trong đội hình xuất phát của Brazil rất đều nhau và rất khó tìm thấy khoảng cách rõ rệt giữa nhóm cầu thủ đá chính với nhóm dự bị. Ông Tite đang sở hữu một đội bóng vừa có kinh nghiệm, vừa có đẳng cấp, chất lượng kỹ thuật cao mà lại rất có chiều sâu. Đội Brazil này có nhiều cách giải quyết đối thủ của họ.
Thế còn Bỉ? Họ cũng sở hữu nhiều ngôi sao tấn công chất lượng như Lukaku, Mertens, De Bruyne, Hazard...Nhưng khả năng phòng ngự và tổ chức phòng ngự của Bỉ không thực sự tốt như Nhật Bản đã phơi bày ở vòng 1/8. Lối chơi phòng ngự kiểu ấy mà bị Brazil khai thác thì hậu quả chắc chắn còn nặng nề hơn nữa.
Tất nhiên, ông Roberto Martinez có thể rút kinh nghiệm từ chiến thắng nghẹt thở trước Nhật Bản để tăng cường khả năng phòng ngự cho Bỉ nhưng thật khó tin đội bóng Châu Âu có cách nào hữu hiệu giúp họ chặn đứng được các ngôi sao của Selecao suốt cả trận đấu. Chiến thắng cho Brazil là kết cục được chờ đợi dù Bỉ nỗ lực cỡ nào.
3. Nga – Croatia: Khó có bất ngờ
Không ngạc nhiên khi ông Stanislav Cherchesov “soạn lại bổn cũ” trong cuộc chiến với Croatia ở tứ kết bằng cách cho tuyển Nga đá phòng ngự phản công. Nga thắng Tây Ban Nha ở vòng 1/8 bằng lối chơi phòng ngự số đông trong suốt 120 phút thi đấu để giảm thiểu mọi nguy cơ trước khi khuất phục đối phương bằng tài cản phá của thủ thành Akinfeev trong loạt sút luân lưu.
Thành công bước đầu của đội chủ nhà World Cup cho tới lúc này chủ yếu là nhờ quyết tâm thi đấu cao cùng một thái độ khiêm nhường, biết tôn trọng đối thủ hơn là nhờ dấu ấn chuyên môn đậm nét nào.
Nhưng Croatia thì khác hẳn. Họ mạnh cả về cá nhân (Modric, Rakitic, Subasic, Mandzukic...) lẫn tập thể. Chất lượng kỹ thuật của cầu thủ Croatia cơ bản là rất tốt và họ có nhiều miếng đánh khác nhau. Họ cũng không thiếu mưu mẹo để tận dụng cơ hội dù là rất nhỏ.
Ngay cả khi Nga đá phòng ngự số đông thì Croatia củng không bất ngờ bởi họ từng đối mặt với Đan Mạch chơi phòng ngự dày đặc ở vòng 1/8. Sự vượt trội về chất lượng nhân sự và kinh nghiệm trận mạc có thể giúp Croatia vượt qua thử thách dù tất nhiên là tuyển Nga sẽ không để đối thủ của họ dễ dàng đánh bại.
4. Anh – Thụy Điển: Cuộc chiến không khoan nhượng
Khi không gắng sức đá với Bỉ ở lượt cuối vòng bảng, tuyển Anh được cho là đã tính toán nhằm chọn cho mình nhánh đấu dễ dàng hơn. Nhưng như cuộc chiến với Colombia ở vòng 1/8 cho thấy, mọi thứ chỉ là trên lí thuyết. Tuyển Anh chỉ có thể đánh bại đối thủ sau loạt sút luân lưu nhiều may rủi chứ không hề có một chiến thắng nhàn nhã sau 90 phút.
Cuộc chiến với Thụy Điển hứa hẹn cũng sẽ rất khó khăn cho các học trò của Gareth Southgate bởi đội bóng Bắc Âu cũng mạnh về bóng bổng và thể lực như người Anh. Thậm chí, Thụy Điển còn gây ấn tượng hơn tuyển Anh về khả năng tổ chức phòng ngự.
Sẽ không dễ để Harry Kane và đồng đội tìm thấy đường vào khung thành Thụy Điển khi Anh cơ bản mới cho thấy họ mạnh về bóng bổng trong khi chưa thực sự sắc sảo trong các pha phối hợp bóng ngắn tầm thấp.
Các bàn thắng đến với Harry Kane quá dễ dàng kể từ đầu giải trong khi các đồng đội của anh chưa ai cho thấy duyên ghi bàn của mình. Chuyện gì xảy ra với tuyển Anh nếu Kane bị vô hiệu hóa?
Thụy Điển không có cá nhân nào nổi bật nhưng sức mạnh tập thể của đội bóng Bắc Âu là không thể coi thường. Trái với cuộc chiến Nga – Croatia nơi Croatia rõ ràng có nhiều cơ hội chiến thắng hơn, nếu Tam Sư có bị chặn lại ở vòng tứ kết này thì cũng không phải chuyện gì thực sự bất ngờ.
Theo Thể thao &Văn hóa