Đến vãn cảnh chùa Côn Sơn, ngoài các địa danh, hạng mục kiến trúc đặc sắc, du khách bắt gặp một công trình đặc biệt, đó là giếng Ngọc.
Nhiều du khách tìm đến giếng Ngọc xin nước uống cầu sức khỏe, an lành
Giếng Ngọc không chỉ là nguồn nước quý của di tích mà còn là một điểm tham quan mang giá trị tâm linh.
Nguồn nước quý của di tíchGiếng Ngọc nằm ở chân núi Kỳ Lân, trên đường lên Bàn Cờ Tiên. Ngay sau giếng là Đăng Minh bảo tháp nơi đặt xá lị của Huyền Quang tôn giả. Chiếc giếng khá đặc biệt, tọa lạc ở vị trí cao hơn mái ngói chùa Côn Sơn nhưng mùa nào giếng Ngọc cũng luôn đầy nước. Người xưa và nhân dân địa phương cho rằng giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và là mắt của con Kỳ Lân.
Còn với các tăng ni, phật tử tại chùa Côn Sơn, giếng Ngọc mang truyền thuyết ly kỳ về giấc mơ của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Khi trụ trì ở chùa Côn Sơn, Đệ tam tổ Huyền Quang đã cho mở rộng quy mô kiến trúc chùa Côn Sơn, hoàn chỉnh hệ thống tượng pháp, biến nơi đây thành chốn quốc tự, danh lam cổ tích. Nhưng trong lòng sư tổ Huyền Quang luôn trăn trở vì chùa còn thiếu nguồn nước thanh tịnh cho việc cúng lễ và làm lễ mộc dục (tắm tượng). Vào một đêm rằm tháng bảy, sau khi đăng đàn lễ Vu Lan báo hiếu, nằm ngủ, sư tổ Huyền Quang mơ thấy một vị thần hiện lên, tự xưng là Chủ thần long mạch núi Côn Sơn, dẫn người đi về phía sau chùa chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới chân núi. Tổ sư Huyền Quang định với tay nhặt viên ngọc thì chuông chùa vang lên làm ngài tỉnh giấc. Ngẫm lại giấc mơ kỳ lạ, thiền sư kể lại cho các tăng ni và cùng mọi người lên xem thử. Khi phát quang bụi rậm, bỗng thấy dòng nước trong lành hiện ra trước mắt. Nghĩ lại giấc mơ, sư tổ Huyền Quang uống thử thấy nước mát ngọt bèn cho làm lễ tạ sơn thần và khơi sâu, kè đá thành giếng. Từ khi được khơi kè, nước giếng bốn mùa luôn đầy, xanh trong nhìn thấu đáy. Nhớ lại viên ngọc sáng lấp lánh dưới chân núi trong giấc mơ, sư tổ Huyền Quang liền đặt tên là giếng Ngọc.
Sẽ được tu bổ, tôn tạoHơn 700 năm qua, giếng Ngọc vẫn ăm ắp nước và trở thành nguồn nước quý của chùa Côn Sơn. Các nhà khoa học đánh giá đây là nguồn nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước khoáng thiên nhiên. Còn đối với các tăng ni, phật tử, người dân địa phương, du khách các nơi thì nước giếng Ngọc còn mang ý nghĩa tâm linh. Hằng tháng, nước giếng Ngọc được nhà chùa dùng làm nước cúng trong Phật điện. Mỗi khi tổ chức lễ Phật đản, nước giếng Ngọc được hòa cùng với nước hồ Côn Sơn thỉnh trong lễ rước nước lễ hội xuân để mộc dục (tắm tượng). Còn người dân địa phương và du khách thập phương tin rằng nếu uống hoặc dùng nước giếng Ngọc để rửa mặt sẽ được mạnh khỏe, an lành. Bởi vậy, mỗi khi đến Côn Sơn, mọi người đều dừng lại bên giếng để xin nước uống và tẩy bụi trần.
Có mặt tại giếng Ngọc vào Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, chỉ ít phút chúng tôi thấy hàng chục du khách tìm đến giếng xin nước uống trước khi leo núi. Để phục vụ nhu cầu của khách, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc bố trí rất nhiều ca, cốc và cử người múc nước phục vụ. Sau khi tham quan chùa Côn Sơn và dừng chân uống nước giếng Ngọc, chị Nguyễn Thị Minh ở Quảng Ninh chia sẻ: "Nước giếng rất ngon và mát lành".
Để bảo vệ nguồn nước quý của di tích và xây dựng nơi đây thành điểm nhấn mang giá trị tâm linh đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục thuộc di tích chùa Côn Sơn, trong đó có giếng Ngọc. Theo đó, dựa trên cơ sở khoa học và kết quả khai quật khảo cổ học sẽ tu bổ, tôn tạo giếng Ngọc, xây dựng mới sân giếng và đường nối từ sân giếng lên lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, toàn bộ thành giếng sẽ được làm lại bằng đá quý hiếm. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, tới đây, giếng Ngọc không chỉ được tu tạo mà bên cạnh còn có một công trình tâm linh, đặc biệt là tượng và lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, sân vọng cảnh. Khi công trình hoàn thiện, các hạng mục, giếng Ngọc, tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, tháp tổ Đăng Minh sẽ tạo thành những điểm nhấn tâm linh của di tích.
NGỌC HÙNG