Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương nhận được phản ánh từ một số phụ huynh về những khoản thu, chi không đúng quy định tại Trường Tiểu học Phạm Kha (Thanh Miện, Hải Dương) trong năm học 2024 – 2025.
Giáo viên chủ nhiệm phải trả lại tiền in đề kiểm tra, bài tập về nhà
Ông V.V.N., một phụ huynh học sinh ở Trường Tiểu học Phạm Kha cho biết, trường luôn duy trì sĩ số trên 700 em học sinh. Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, năm nào mỗi phụ huynh cũng đóng góp 100.000 đồng vào Quỹ Hội phụ huynh học sinh để hỗ trợ và phát triển các hoạt động giáo dục của trường. Tuy nhiên, việc chi tiêu các khoản từ nguồn quỹ này thiếu công khai, minh bạch. Năm học 2024 - 2025, nhà trường còn trích tiền từ quỹ để tặng quà Tết cho các giáo viên trong trường.
"Việc phối hợp sử dụng Quỹ Hội phụ huynh học sinh giữa Trường Tiểu học Phạm Kha và Ban Đại diện cha mẹ học sinh rất bất cập. Quỹ do nhà trường nắm giữ nhưng khi chi tiêu lại không tổ chức họp bàn, xây dựng kế hoạch mà chỉ gọi thông báo qua điện thoại. Tôi đã từng đề nghị nhà trường công khai bằng giấy tờ, văn bản về việc chi tiêu từ nguồn quỹ này nhưng nhà trường không đồng ý", ông N. cho biết.
Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Phạm Kha còn phản ánh, nhà trường triển khai thu góp một số khoản không đúng quy định. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp đều tổ chức thu tiền thuê máy in là 60.000 đồng/học sinh/năm; tiền in đề kiểm tra, bài tập từ 100.000 - 200.000 đồng/học sinh/năm. Cuối năm học, phụ huynh phải tạm ứng từ 1 - 1,2 triệu đồng để đặt cọc mua sách giáo khoa cho năm học mới.
Nhiều phụ huynh cho rằng khoản tạm ứng trên cao hơn các trường cùng cấp lân cận. Nhiều loại sách đến gần cuối năm học thì học sinh mới nhận được, ảnh hưởng đến việc học tập và tiếp thu kiến thức mới của các em. "Tổng kết cuối năm, nhà trường mới quyết toán số tiền mua sách và trả lại tiền thừa. Vậy tại sao phụ huynh chúng tôi lại phải tạm ứng số tiền lớn như vậy ?", phụ huynh Nguyễn Thị H. thắc mắc.
Đầu tháng 5, phóng viên Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương đã có buổi làm việc với bà Đỗ Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Kha về những phản ánh của phụ huynh. Bà Phương thừa nhận nhà trường có triển khai thu 60.000 đồng tiền thuê máy in. Nguyên nhân do nhiều phụ huynh là công nhân, ông bà đã lớn tuổi nên không có thời gian đi in đề ôn tập cho các em. Do đó, nhà trường đã xin ý kiến phụ huynh để thuê máy in phục vụ nhu cầu học tập của các em. Không chỉ Trường Tiểu học Phạm Kha mà nhiều trường khác cũng đang làm như vậy.
Liên quan đến tiền in đề kiểm tra, bài tập về nhà, bà Phương khẳng định Ban Giám hiệu nhà trường không triển khai thu khoản tiền này. Qua kiểm tra, rà soát thì đây là khoản tiền mà phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm các lớp tự thoả thuận với nhau liên quan đến việc hỗ trợ ra đề và in bài tập cho học sinh. Do khoản thu này không đúng quy định nên nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp trả lại tiền cho các phụ huynh.
Dùng Quỹ Hội phụ huynh để tri ân giáo viên
Với phản ánh về việc sử dụng Quỹ Hội phụ huynh học sinh không đúng mục đích, bà Phương cho biết, các khoản thu chi nhà trường đều niêm yết, công khai tại văn phòng. Trước khi triển khai sử dụng tiền từ quỹ nhà trường đều xin ý kiến của Ban Đại diện cha mẹ học sinh. "Dịp Tết Nguyên đán, nhà trường có lên kế hoạch và triển khai sử dụng một phần tiền từ quỹ để mua quà tặng tri ân các giáo viên trong trường. Hoạt động này chúng tôi đã xin ý kiến và được sự nhất trí của Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường", bà Phương cho biết.
Về vấn đề này ông N. khẳng định, ông có đồng ý với đề xuất của bà Phương khi dùng một phần kinh phí từ Quỹ Hội phụ huynh học sinh để tặng quà thầy cô giáo nhân dịp Tết Ất Tỵ (mỗi suất trị giá 300.000 đồng). Bản thân ông N. không biết việc làm này là không đúng quy định. Tuy nhiên, nhà trường giữ quỹ lẽ ra phải tổ chức họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Theo bà Phương, việc mua sách giáo khoa được Trường Tiểu học Phạm Kha thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các phụ huynh. Cụ thể, trong cuộc họp tổng kết cuối năm, các lớp sẽ tổng hợp danh sách học sinh có nhu cầu mua sách giáo khoa. Dựa vào số liệu này nhà trường sẽ đăng ký mua sách giúp học sinh và thu một khoản tiền tạm ứng. Số tiền này dựa theo báo giá mà đơn vị cung cấp sách thông báo. Cuối năm học nhà trường sẽ rà soát lại các khoản tiền mua sách để quyết toán cho phụ huynh số tiền đã tạm ứng trước đó.
Năm học 2024 - 2025, nhà trường có cấp đổi sách môn mỹ thuật muộn cho học sinh. Nguyên nhân do nhà cung cấp chuyển nhầm bộ sách Cánh diều thay vì bộ sách Chân trời sáng tạo mà nhà trường đăng ký mua trước đó. Việc nhầm lẫn này không ảnh hưởng đến việc học tập của các em vì nhà trường đã chuẩn bị đủ sách theo quy định tại Phòng Mỹ thuật.
Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 18/10/2024 của HĐND tỉnh Hải Dương nêu rõ các cơ sở giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp tổ chức thực hiện, nhưng không được trực tiếp thu của học sinh các khoản thu như: Kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh và tiền sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học liệu, học phẩm, dụng cụ học tập cho cá nhân học sinh...
Bên cạnh đó, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh quy định việc thu, chi kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh... Nguồn Quỹ Hội phụ huynh học sinh không được phục vụ cho nhiệm vụ khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường...
Như vậy, việc triển khai thu tiền thuê máy in, tiền in đề, bài tập về nhà của Trường Tiểu học Phạm Kha không đúng quy định. Các khoản thu này không nằm trong danh mục, mức thu các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, Trường Tiểu học Phạm Kha nắm giữ Quỹ Hội phụ huynh học sinh nhưng việc phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh để sử dụng nguồn quỹ chưa thống nhất, hiệu quả. Việc trích tiền từ quỹ này để tặng quà cho giáo viên nhà trường là không đúng hướng dẫn của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc thu tiền tạm ứng mua sách giáo khoa tại trường này cũng chưa bám sát nhu cầu thực tế. Qua phiếu đăng ký mua sách năm học 2024 - 2025 nhà trường cung cấp, các khối 2, 3, 4 đều có báo giá cụ thể cho từng loại sách. Tổng số tiền học sinh các khối này nếu mua đủ các loại sách trong phiếu đăng ký mới có giá trên 600.000 đồng (chưa tính vở viết vì không báo giá). Giáo viên có thể dựa vào số lượng đăng ký mua sách của học sinh để tính tiền tạm ứng sát với nhu cầu. Việc thu cào bằng từ 1 - 1,2 triệu đồng/học sinh là chưa phù hợp.
Vừa qua, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phạm Kha đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm rà soát, đối chiếu để trả lại những khoản thu không đúng quy định. Thanh tra Huyện Thanh Miện cũng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các phản ánh của phụ huynh liên quan đến các khoản thu, chi của trường học này.
PV