Trong chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/18, chúng tôi đã gặp nhiều người con Hải Dương - là những cán bộ, chiến sĩ, tất cả đều mang một quyết tâm cao, khí phách hiên ngang bảo vệ vùng trời và biển đảo quê hương.
Nụ cười tươi của thượng úy Nguyễn Văn Phú quê Thanh Quang (Thanh Hà) trên đảo Đá Lát
Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Nguyễn Thế Tốt quê xã An Sơn (Nam Sách), Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, chỉ huy chuyến tàu KN490 cho biết chưa chuyến nào đi êm ả, hải lộ bình an như lần này, chắc chắn sẽ lên được nhà giàn. Có nhiều đoàn đã đến gần nhà giàn nhưng sóng cả nên không vào được. Vì thế, các thành viên chỉ có thể đứng trên boong vẫy chào chiến sĩ nhà giàn rồi tàu quay lại. Thế nhưng hôm nay biển lặng, tàu KN490 neo từ xa để xuồng đưa đoàn vào Nhà giàn DK1/18.
Nhà giàn DK1/18 nhìn từ xa như khoác lên mình bộ áo màu hoàng yến kiêu sa, lộng lẫy, nổi bật trên mặt biển màu lam. Không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, các chiến sĩ trên nhà giàn còn trổ tài trồng những "luống" rau xanh mướt treo trên lan can, gà vịt đầy chuồng. Các cán bộ, chiến sĩ ở đây đều coi nhau như một gia đình, dù cuộc sống xa đất liền nhưng luôn đầm ấm. Nước trên các điểm đảo, nhà giàn bây giờ không khó khăn như trước, nhưng vẫn còn hiếm lắm. Song mỗi lần bước chân lên các điểm đảo, nhà giàn, mọi người đều cảm nhận rõ tình cảm, sự chu đáo của các chiến sĩ nơi đây. Ở đó luôn có nước ngọt mát lạnh, trong veo đựng trong 3 chậu bằng inox và khăn khô cho đoàn từ đất liền rửa mặt.
Thiếu úy Hồ Xuân Sơn (sinh năm 1998) quê ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) mới ra Nhà giàn DK1/18 hơn 1 năm nay nên làn da chưa đen sạm như nhiều đồng đội khác. Học xong Trường THPT Thành Đông, anh Sơn vào lính hải quân. Sau những tháng huấn luyện trong đất liền, anh được điều ra đảo nên còn nhiều bỡ ngỡ. Cao dong dỏng, đẹp trai, rụt rè, ít nói là ấn tượng đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với chàng thiếu úy trẻ này. Chàng nhân viên rada bảo nhớ nhà, nhớ quê lắm, song nhiều đồng đội của anh còn ở lâu hơn nên giờ anh đã coi nhà giàn là gia đình.
Thiếu úy Hồ Xuân Sơn, quê ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) là nhân viên rada, ra Nhà giàn DK1/18 hơn 1 năm nay
Ngày mới ra đảo, có những đêm thức giấc, xung quanh chỉ có gió và sóng gầm gào, anh Sơn nhớ nhà đến nôn nao. Thế nên, lúc nữ ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng Khánh Hòa cất giọng: Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương... Tuổi 20 chưa từng hò hẹn/ Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi... Hồ Xuân Sơn khẽ quay mặt nhìn ra phía biển. Sau nhiều lần ngập ngừng, rồi anh cũng nhoẻn miệng cười, nhập với đoàn văn công hát vang những bài ca về người lính, về biển đảo quê hương... "Con đã rắn rỏi và sẽ cứng cáp trở về. Ở nhà, ngoan nhé em gái của anh" - đó là lời Hồ Xuân Sơn nhắn gửi chúng tôi cho bố mẹ và em gái trước lúc tàu rời nhà giàn DK1.
Nhớ hôm đến Đá Lát, tàu KN490 xuất phát từ đảo Đá Tây A, phải xuyên đêm trong 7 giờ liên tục. Đến Đá Lát khoảng 22 giờ, song tàu phải neo ngoài xa để chờ đến sáng mới lên được đảo. Đây là đảo san hô khép kín, phía trong là hồ nước. Khi thủy triều lớn, toàn đảo bị ngập, lúc thủy triều xuống thấp, các bãi san hô và đá nhô lên khỏi mặt nước. Trên đảo Đá Lát có 2 chiến sĩ người Hải Dương, lúc đoàn đến các anh đều đang làm nhiệm vụ. Đại úy Nguyễn Tuấn Anh người Ninh Giang làm nhiệm vụ lái xuồng CQ đón đoàn ra vào đảo. Kể từ lúc tàu KN490 rúc 3 hồi còi chào đảo rồi neo lại, xuồng chạy như con thoi trên biển, đưa đón từng đoàn vào đảo lại đưa đoàn rời bến nên không thể gặp anh. Còn thượng úy Nguyễn Văn Phú quê vải Thanh Quang (Thanh Hà) dù đứng ở chân đảo nhưng cũng không một phút ngơi tay. Những động tác mạnh mẽ, chính xác được anh thực hiện thuần thục khi liên tục nắm những cuộn dây thừng neo xuồng liên tiếp được quăng lên. Chàng trai sinh năm 1993 này có nước da đen sạm, cao to, vạm vỡ. Anh ra đảo gần 1 năm nay. "Khi về lại đất liền tôi mới tính đến chuyện cưới xin, bố mẹ ở nhà cũng giục suốt. Nhưng bây giờ chưa có bạn gái. Lính đảo đen và xấu lắm, lại còn hồn nhiên nên không biết có ai yêu không nữa", anh Phú khoe hàm răng trắng lóa cười vang khi được hỏi về chuyện tương lai.
Còn ở Trường Sa Lớn, nhân viên quản lý bay Nguyễn Văn Phúc, quê xã Hoành Sơn (Kinh Môn) lại có kinh nghiệm ở đảo nhiều hơn 2 đồng đội trên. Mỗi năm anh có ít nhất một lần ra đảo làm nhiệm vụ quản lý bay. Chàng trai sinh năm 1989 này chưa lập gia đình, trước đây học Trường THPT Nhị Chiểu, bố cũng từng là bộ đội, nay cả gia đình đã chuyển về Hà Nội. "Trước kia cứ nghĩ Trường Sa xa lắm, nhưng giờ đi lại thuận lợi hơn nhiều. Trên đảo tôi đã từng gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ người Hải Dương, có nhiều bạn rất trẻ, song ai cũng nhiệt huyết, quyết tâm bảo vệ vùng trời và biển đảo", anh Phúc cho biết.
Còn nhiều chiến sĩ người Hải Dương nữa chúng tôi đã gặp trong chuyến đi này. Sinh Tồn, Tốc Tan, Trường Sa Đông, Đá Tây, Đá Tây A, Trường Sa Lớn... đều có những người con xứ Đông ở đó. Các anh lính đảo ai nấy sạm đen, mang nụ cười tỏa nắng. Trước chuyến hành trình, chúng tôi còn gặp và trò chuyện với nhiều người con Hải Dương khác thuộc Vùng 4 Hải quân như Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162... Các anh dù ở vị trí nào cũng đều coi "đảo là nhà, biển cả là quê hương". Khí phách hiên ngang của những con người xứ Đông hiện hữu trên từng điểm đảo.
TIẾN HUY