Một số ngày vừa qua xuất hiện một lá đơn được cho là được ký bởi một số trường học ngoài công lập “khẩn thiết” đề nghị Chính phủ cho học sinh đi học lại.
Ảnh minh họa
Chiều 6.3, Hà Nội đã ra quyết định học sinh từ lớp 9 trở xuống nghỉ đến hết 15.3, còn đi học lại hay chưa thành phố sẽ quyết định vào cuối tuần tới.
Nhiều khả năng các tỉnh, thành khác cũng sẽ có quyết định tương tự. Chưa “chốt” được kết luận cuối cùng, vì không ai rõ rồi tới đây tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao. Cả thế giới phập phồng lo sợ chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Hạnh phúc là gì? Theo một quan niệm được rất nhiều người đồng ý, hai yếu tố quan trọng đầu tiên là “thân không bệnh, tâm không loạn”. Câu nói “sức khỏe là vàng” không phải là sáo rỗng. Thực tế trên thế giới ở những nơi dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy mọi mưu cầu lúc ấy chỉ là thứ vô nghĩa, ngoài mưu cầu được mạnh khỏe.
Thế nhưng, một số ngày vừa qua, lại xuất hiện một lá đơn được cho là được ký bởi một số trường học ngoài công lập “khẩn thiết” đề nghị Chính phủ cho học sinh đi học lại. Lá đơn này đưa ra lời lẽ “đao to, búa lớn”, cho rằng nếu trẻ không đi học sớm, trường không có tiền, “hàng trăm cơ sở mầm non nguy cơ phá sản, dẫn đến các cháu bé không người chăm nom, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc. Hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ nếu đóng cửa sẽ tạo ra khoảng trống vô cùng lớn trong nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế”.
Lá đơn nêu trên đã nhận được không ít phản bác, dù giáo dục bấy lâu nay là lĩnh vực dễ nhận được sự cảm thông chia sẻ của dư luận. Không ít ý kiến bác bỏ lá đơn trên, lập luận “nếu dịch tiếp thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Thà chấp nhận thiệt hại nhỏ còn hơn thiệt hại lớn”.
Có ý kiến khá mạnh mẽ “lúc tốt tươi thì im ỉm thu hàng chục, hàng trăm triệu trên mỗi học sinh hàng năm, nay mới “nhịn ăn” vài bữa mà đã kêu ầm lên rồi. Các trường này khâu quản trị tài chính cũng không tốt, lúc tiền tấn thu về thì “tẩu tán” ngay, không đề phòng khi gặp khó”. Còn có ý kiến khác “kể cả các ông có phá sản ngay thì cũng đành chịu, trường tư cũng chỉ là một dạng doanh nghiệp đặc biệt. Cả xã hội ảnh hưởng, chứ đâu riêng gì các ông”.
Còn nhớ hơn nửa tháng trước, tại Bình Dương, một trường mầm non tư thục đã lường trước những khó khăn này nên tự ra phương án cho một số cán bộ, nhân viên nghỉ việc. Không kêu ca, không xin xỏ, không kể khổ, chấp nhận trường hợp bất khả kháng vì “thiên tai dịch họa”. So sánh chuyện này với “kêu cứu” của một số trường ngoài công lập mới đây mới hiểu vì sao lá đơn này bị phản ứng mạnh mẽ như vậy. Đừng suy nghĩ đòi hỏi theo kiểu “lợi một người mà ảnh hưởng muôn người”.
Theo Pháp luật Việt Nam