Năm học mới sắp bắt đầu nhưng tỉnh chưa có chủ trương bố trí đội ngũ đối với những trường thiếu giáo viên giảng dạy.
Nếu không đủ giáo viên, nhiều hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp sẽ khó thực hiện được
Cũng chưa rõ có cho các trường tiếp tục sử dụng giáo viên hợp đồng (GVHĐ) vượt định mức để giảng dạy hay không. Do đó, nhiều trường như đang lúng túng, không biết phân công đội ngũ giảng dạy thế nào, lấy giáo viên ở đâu để dạy.
Hằng năm, vào đầu tháng 8, Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng như nhiều trường khác đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, nhất là việc sắp xếp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cho từng khối lớp. Nhưng năm nay đã giữa tháng 8 trường vẫn chưa thể lên được phương án tối ưu để bố trí đội ngũ. Năm học trước, để phục vụ cho công tác giảng dạy, ngoài 50 biên chế được giao (43 giáo viên, 3 cán bộ quản lý, 4 nhân viên), trường phải ký thêm 10 GVHĐ (4 giáo viên văn hóa, 4 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên tin học, 1 giáo viên âm nhạc). Theo quy định, nhà trường đã chấm dứt lao động đối với 10 giáo viên trên. Trong khi đó, năm học này, trường có 34 lớp, tăng 2 lớp so với năm học trước.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đạo cho rằng: "Nếu không được sử dụng thêm GVHĐ, nhà trường không có người để dạy. Nếu chỉ bố trí 43 giáo viên hiện có thì mỗi người phải dạy bình quân 31,6 tiết/tuần, vượt 8,6 tiết theo quy định. Nhưng không phải giáo viên nào cũng có chuyên môn phù hợp và điều kiện sức khỏe, thời gian để dạy vượt giờ. Nếu tính theo quy định, bình quân mỗi giáo viên dạy đủ 23 tiết/tuần, nhà trường còn thiếu 15,6 giáo viên nữa".
Năm học này, Trường THCS Hồng Hưng (Gia Lộc) có 18 giáo viên. Trường có tổng số 12 lớp với 408 học sinh. Số giáo viên hiện nay của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học. Nếu tính theo định mức tỉnh giao là 1,85 giáo viên/lớp thì nhà trường còn thiếu 4 giáo viên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 443.164 trẻ mầm non, học sinh, tăng 13.296 em và 529 lớp so với năm học 2016 - 2017. Năm học 2017 - 2018, các địa phương, nhà trường ký hợp đồng lao động vượt định mức của tỉnh giao với 1.991 giáo viên. Từ ngày 31.5.2018, tỉnh ta dừng chi trả tiền công đối với toàn bộ GVHĐ vượt định mức biên chế tỉnh giao tại các cơ sở giáo dục công lập. Năm học 2018 - 2019, số học sinh của tỉnh tiếp tục tăng với khoảng 9.100 em. Do đó, nhiều trường thiếu giáo viên trầm trọng.
Trước khi chờ chỉ đạo của tỉnh, để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều trường phải dồn lớp, dồn học sinh cho phù hợp với số lượng giáo viên hiện có. Do đó, nhiều trường có số lượng học sinh/lớp vượt quy định rất lớn. Thậm chí nhiều nơi phải sắp xếp 40 - 50 em/lớp. Những trường thiếu nhiều giáo viên cũng chưa biết phân công chuyên môn thế nào, nhất là bố trí giáo viên chủ nhiệm, sắp xếp thời khóa biểu. Để đủ giáo viên chủ nhiệm, nhiều trường phải huy động toàn bộ đội ngũ, kể cả giáo viên dạy môn phụ. Do thiếu giáo viên nên nhiều hoạt động giáo dục khác như dạy kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ lên lớp, văn hóa, văn nghệ... sẽ phải tạm dừng lại. Nhiều trường cũng lo lắng số tiền vượt giờ quá lớn không biết lấy nguồn nào để chi trả trong khi đơn vị không có kinh phí. Số tiền chi trả vượt giờ còn nhiều hơn so với việc ký hợp đồng lao động với giáo viên.
Ngày khai giảng đang đến gần, các trường rất mong tỉnh sớm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để các cơ sở giáo dục chưa đủ giáo viên bảo đảm điều kiện dạy học, tạo sự yên tâm không chỉ cho các nhà trường mà cả phụ huynh và học sinh.
DANH TRUNG